Trẻ trầm cảm, lo âu, sang chấn tâm lý tăng đột biến
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê thấy, cứ 40 giây thế giới có một người tự sát (khoảng trên 1.000.000 tử vong/năm); tự sát là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người đến 35 tuổi; số tự sát ở nam cao hơn hẳn nữ (năm 2010, Mỹ có số nam giới chết do tự sát là 79%; năm 2012, 3/4 là nam trong số 5.812 tử vong do tự sát ở Anh); mỗi năm có khoảng 10 - 20 triệu người tự sát bất thành; tự sát là nguyên nhân gây ra số tử vong đứng thứ 2 ở lứa tuổi 15 - 19, chỉ sau tai nạn giao thông.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) trung bình mỗi ngày, thế giới có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự sát và tình trạng này ngày càng tăng....
Ở Việt Nam số liệu điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (WHO, Bộ Y tế, Tổng cục thống kê, 2000), khảo sát 10.000 thanh, thiếu niên sống ở 63 tỉnh, thành có 409 người (4,1%) có ý tưởng tự sát. Từ năm 2003 - 2010 số thanh, thiếu niên lứa 14 - 25 tuổi có ý tưởng tự sát tăng lên 7%. Khảo sát mới nhất (trong một năm) trên 6.407 học sinh lứa 11 - 17 tuổi của Viện Sức khoẻ tâm thần năm 2020 công bố, có 11% “bộc lộ” ý tưởng tự sát. Khảo sát của Trung tâm phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP) Việt Nam, thanh, thiếu niên nhóm 15 - 24 tuổi có ý tưởng tự sát cao nhất và tỷ lệ nữ cao gấp 2 lần nam.
Năm 2022, TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa tâm lý giáo dục, Học viện quản lý giáo dục nói rằng, UNICEF đưa ra con số gần 24% học sinh Việt Nam có ý tưởng tự sát sau đại dịch COVID-19. Ông cho biết thống kê gần đây của Học viện trên gần 20.000 học sinh thấy trầm cảm, lo âu, sang chấn tâm lý (stress) tăng đột biến, với trên 60% trẻ bị stress, 40% rối loạn lo âu, 30% biểu hiện trầm cảm....
Mới đây, kết quả “Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam” do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT công bố đã nêu bật một thực tế đáng lo ngại: Rất nhiều trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần; ngoài ra, các em còn thiếu các kỹ năng ứng phó, sự hỗ trợ cần thiết và các dịch vụ quan trọng liên quan đến phúc lợi tổng thể của mình. Nghiên cứu còn cho thấy, 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn. Hơn nữa, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.
Đi tìm nguyên nhân
Năm 2009, nước Mỹ và thế giới bàng hoàng vì bé Samantha Kuberski, 6 tuổi, ở bang Oregon, Mỹ, trở thành nạn nhân nhỏ tuổi nhất của tự sát trong Thế kỷ 21. Bé được phát hiện trong trạng thái treo cổ ở cũi trẻ em. Ở trường, bé được yêu mến, học khá và chưa bao giờ bị bạo hành. Thế nhưng, chỉ một lần duy nhất trước sinh nhật 7 tuổi một giờ, Samantha cãi mẹ và nói rằng “con sẽ chết”... Lâm Gia Văn - thần đồng lịch sử Trung Quốc luôn cô đơn vì không hòa đồng được với các bạn cùng lứa. Khi công khai là tác giả của rất nhiều quyển sách có tầm nghiên cứu trác tuyệt, Lâm phải hứng chịu búa rìu của cư dân mạng. Trầm cảm, Lâm nhảy lầu kết thúc cuộc đời tháng 2/2016 khi 18 tuổi.
Có thể thấy, lý do tự sát có rất nhiều, nhưng có thể tạm gọi ra những nhóm sau: xung đột gia đình, người thân; áp lực học; xung đột giáo viên - học sinh; tan vỡ tình cảm (kể cả chuyện bị lạm dụng, tảo hôn, ép buộc); bắt nạt học đường và mạng; rối loạn tâm lý khác và các bệnh lý tâm thần... Đằng sau những lý do đó là rất nhiều nguyên nhân như trong gia đình người lớn ít quan tâm hoặc luôn áp đặt, sắp xếp mọi thứ cho con mà không để tâm đến đời sống cá nhân; không biết đến sở thích, mong muốn của trẻ, không biết nó có khó khăn gì, cần giúp đỡ gì... Ngoài những nhóm nguyên nhân trên thì xã hội hiện đầy rẫy những cạm bẫy có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào như những video phát tán trên YouTube những năm “Thử thách cá voi xanh”, “Thử thách Momo”...
Bé trai N.T.C, 10 tuổi, ở Hà Nội, tự cắn, cấu mình 3 ngày, khi đến Viện sức khỏe tâm thần Bạch Mai, Hà Nội đã biểu hiện trầm cảm. Bé trai cho biết: “Những ai xem clip này đều phải tham gia một thử thách tự sát nếu không Momo sẽ xuất hiện trong giấc mơ để đưa bạn xuống địa ngục”...
Giảm thiểu cách nào?
Tự sát không có thuốc đặc trị như kháng sinh diệt vi khuẩn, vì thế ý tưởng ngăn chặn hoàn toàn tự sát là không tưởng, chỉ có thấu hiểu, dày công mới giảm thiểu được tự sát. Những đứa trẻ 5, 10 tuổi kia đâu đã hiểu thế nào là “chết” và cho dù 17, 18 tuổi cũng không hẳn đã hiểu hết hậu quả của hành vi quyên sinh. Lứa tuổi 15 – 19 mâu thuẫn giữa thể xác đã (hoặc gần) là người trưởng thành với kiến thức và kinh nghiệm sống còn rất thiếu thốn, không hẳn trẻ con cũng không hẳn người lớn và được coi là giai đoạn khủng hoảng. Khuynh hướng “phá rào”, phá trật tự cũ (nhất là của gia đình), nhưng hành động thường bột phát, thiếu suy nghĩ thấu đáo và thường trái với mong muốn của người lớn nên xung đột thế hệ rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó, những trẻ không biểu hiện chống đối, dồn nén tâm lý kéo dài lại đưa đến phản ứng không ngờ.
Không đứa trẻ nào miễn nhiễm với nguy cơ tự sát, tuy vậy, vẫn có thể làm “nguội” tính sốc nổi, tự ái cao ở những đứa trẻ. Bởi nhân cách được hình thành do gia đình, nhà trường, xã hội và đúng như người xưa nói: “Tề gia không gì hay bằng nhân, trị quốc không gì hay hơn nghĩa”. Phụ huynh và thầy, cô phải luôn quan tâm để thấu hiểu trẻ nghĩ gì, vướng bận gì, gặp phải trở ngại gì để giúp chúng tháo gỡ - cho đúng nghĩa là chỗ dựa, để chúng tin tưởng trút bầu tâm sự.
Nên nhớ, trẻ con không phải người lớn thu nhỏ lại, càng không “trong veo” như ta tưởng và nếu là chỗ dựa đúng nghĩa cho trẻ thì phải ân cần, chu đáo, tỉ mỉ và mất nhiều thời gian, công sức. Còn hàng ngày, ngoài công việc mà bố, mẹ, con mỗi người một điện thoại hay iPad thì làm sao thấu hiểu? Buồn chán, cảm thấy lạc lõng, cô đơn vì không giải tỏa được cảm xúc là nguy cơ cao đưa trẻ đến trầm cảm và tự sát.
Khi một đứa trẻ nói hoặc viết về chuyện chúng sẽ tự sát, người lớn không được mắc sai lầm khi nghĩ chúng chỉ dọa và không dám làm chuyện đó dù là đôi khi chỉ là những câu có vẻ như hờn giận hay bâng quơ: “Tôi chỉ muốn chết đi”; “Tôi thà chết đi còn hơn”; “Tôi ước mình ngủ thiếp đi và không bao giờ dậy nữa”; “Hẹn kiếp sau…”, “Chúc ở lại…”. Phải vào cuộc ngay và đó là cơ hội để ngăn một đứa trẻ tự sát, Khi nghi ngờ trẻ trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc các bệnh lý tâm thần khác phải đưa trẻ đến bệnh viện tâm thần để can thiệp bằng thuốc…
Chỉ có quan tâm mới phát hiện được trẻ đột ngột có những hành vi bất thường. Mặt khác, đừng áp đặt thành tích học tập và không lộ liễu kỳ vọng với trẻ. Phụ huynh, thày, cô gần gũi, chân thành, cởi mở, làm bạn, để trẻ có thể chia sẻ khó khăn. Phân bổ thời gian học và chơi hợp lí; tổ chức nhiều du lịch dã ngoại, hoạt động ngoài trời, vui chơi, thể thao, thiện nguyện; dạy kỹ năng sống. Giúp trẻ giải tỏa bế tắc, vượt qua thất vọng, để trẻ cảm thấy được che chở, không cô đơn.
Kết quả “Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam” cũng chỉ ra, nhiều phụ huynh gây áp lực buộc con em mình phải thành công và có những tiêu chuẩn cao khiến các em phải “học 24/24”. Một học sinh kể: “Cha mẹ không ép buộc em, nhưng họ đặt kỳ vọng cao vào em, vì vậy, khi bị điểm thấp em cảm thấy buồn vì mình đã làm họ thất vọng. Những điều đó khiến em luôn căng thẳng”.
Ở chiều ngược lại, đối tượng của sự yêu thương phải có được tinh thần sẵn sàng lắng nghe, học hỏi, chia sẻ và thích ứng với thực tế. Nhận thức đúng về những thách thức trong cuộc sống là điều trẻ cần được hướng dẫn, chuẩn bị tâm lý để vượt qua. Liên kết gia đình, bạn bè, nhà trường và cộng đồng với trẻ càng chặt chẽ, trẻ càng ít có khả năng tự gây hại.