Làm giàu từ vốn vay ưu đãi

(PLO) - Những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi đã đến với người dân huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách, giúp các hộ có điều kiện tập trung phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh từng bước thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Đàn dê thương phẩm của gia đình ông Hoàng Anh Đệ
Đàn dê thương phẩm của gia đình ông Hoàng Anh Đệ

Năm 2012, gia đình ông Hoàng Anh Đệ ở thôn Nà Hin, xã Yên Đĩnh được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn của NHCSXH. Ban đầu, “liệu cơm gắp mắm” ông chỉ trồng và nuôi số lượng ít; khi đàn dê xuất bán thuận lợi ông dần có vốn để mở rộng quy mô, sau gần 4 năm đến nay ông đã phát triển được hơn 6ha rừng keo và đàn dê 30 con.

Mỗi năm gia đình ông xuất bán 3 lứa dê thương phẩm và dê giống, thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Ông Đệ cho biết, nếu không được tiếp cận với vốn vay thì gia đình rất khó có điều kiện để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Từ chỗ là hộ nghèo, đến nay gia đình ông Đệ đã thoát khỏi diện hộ nghèo.

Cùng xã Yên Đĩnh còn có gia đình ông Lục Văn Hè, người dân tộc Nùng, thôn Bản Tèng cũng là hộ tiêu biểu vươn lên thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi. Trước kia gia đình ông Hè thiếu đói triền miên. Ông bảo, vợ chồng ông cũng chăm chỉ chịu khó nhưng không có vốn nên đói nghèo. Năm 2013, ông được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để nuôi trâu sinh sản. Từ hộ khó khăn, đến nay ông Hè đã trở thành triệu phú khi sở hữu đàn trâu cả chục con.

“Ở đâu thì không biết, đất rừng như Yên Đĩnh chúng tôi con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ. Đối với gia đình tôi, không có nguồn vốn tín dụng ưu đãi, sẽ không có đàn trâu, không có nhà mới như hôm nay”, ông Hè khẳng định. Năm 2016 trả hết nợ cũ NHCSXH, ông Hè hy vọng được tiếp tục vay vốn NHCSXH.

Để đồng vốn phát huy hiệu quả như trên, theo Giám đốc NHCSXH huyện Chợ Mới Hoàng Văn Hậu, đơn vị luôn chú trọng công tác tuyên truyền và tăng cường cán bộ xuống địa bàn để xác minh, hướng dẫn các đối tượng lập thủ tục vay vốn để đầu tư cho sản xuất, giảm nghèo. Hàng tháng cán bộ giao dịch của ngân hàng tổ chức giao ban với các Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn ở các xã để thu nộp lãi theo định kỳ và giải đáp những thắc mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giải ngân và quản lý sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Đến nay, toàn huyện có gần 20 Điểm giao dịch tại 16 xã, thị trấn, với trên 200 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến hết tháng 8/2016, tổng dư nợ từ 11 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Chợ Mới đạt trên 215 tỷ đồng. Qua việc thành lập các đoàn đi kiểm tra thực tế cho thấy hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, tập trung vào các mô hình phù hợp với gia đình như chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê và trồng rừng. Chất lượng vay vốn đạt cao, đến nay tỷ lệ nợ quá hạn đạt thấp chỉ chiếm 0,08%.

Với nguồn vốn vay ưu đãi được người dân sử dụng hiệu quả, không những các hộ đã thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả, xây dựng nhà ở kiên cố, sắm mới các trang thiết bị sinh hoạt tiện nghi. Việc triển khai tốt nguồn vốn vay cho các đối tượng hộ nghèo thông qua các tổ chức hội, đoàn thể hàng năm đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Chợ Mới giảm từ 3,5 - 3,8%. Hiện NHCSXH huyện Chợ Mới đang tiếp tục đẩy mạnh mở rộng nguồn vốn và đối tượng cho vay. Nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn không thiếu, dân có nhu cầu sẽ được đáp ứng kịp thời.

Để tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đưa đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, NHCSXH huyện Chợ Mới, các hội, đoàn thể sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi tới người dân. Các hội, đoàn thể tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng ủy thác với NHCSXH, hỗ trợ người dân kiến thức kỹ thuật, vật tư, công cụ sản xuất, tổ chức tập huấn và phối hợp tập huấn KHKT cho các hộ vay vốn sử dụng vốn hiệu quả hơn.

Đọc thêm