CPI thấp nhờ giá nguyên liệu đầu vào thấp
Theo công bố của Tổng cục Thống kê (TCTK) sáng qua (24/12), CPI tháng 12 tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng với mức tăng không đáng kể như hàng ăn, phục vụ ăn uống, đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở, vật liệu xây dựng; thuốc, dịch vụ y tế; giáo dục.
Các nguyên nhân làm giảm CPI trong tháng cuối năm được chỉ ra là do: Giá xăng dầu giảm dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 3,39% so với tháng trước. Trong khi giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm nhẹ, chủ yếu giảm ở mặt hàng sắt thép xây dựng do giá phôi thép thế giới giảm. Trong tháng 12, giá dịch vụ giao thông công cộng cũng giảm 0,23% do một số doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá cước theo yêu cầu của Sở GTVT các tỉnh, thành phố.
Với CPI tháng 12 được tính toán, như vậy tính bình quân CPI cả nước năm 2015 chỉ tăng 0,63% so với năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra. Theo cơ quan thống kê, đây cũng là mức tăng thấp nhất của chỉ số giá tiêu dùng kể từ năm 2001 trở lại đây.
Các yếu tố giữ cho CPI có mức tăng thấp là do nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, cùng với sự cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Ấn Độ nên việc xuất khẩu gạo gặp khó khăn do đó giá lương thực luôn ở mức thấp hơn các nước khác. Trong năm 2015, chỉ số giá lương thực liên tục giảm từ tháng 3 đến tháng 10, có 4 tháng tăng nhưng mức độ không cao đã khiến chỉ số giá nhóm lương thực năm 2015 giảm tới 1,24% so với cuối năm trước.
Ngoài ra, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới gần đây giảm mạnh, đặc biệt là giá dầu cũng khiến nhóm hàng “nhà ở và vật liệu xây dựng” và “giao thông” năm 2015 lần lượt giảm 1,62% và 11,92% so với năm trước, trong đó riêng giá xăng dầu giảm gần 24,77%, góp phần giảm CPI chung 0,9%. Giá gas sinh hoạt trong nước cũng được điều chỉnh theo giá gas thế giới, bình quân năm nay giảm 18,6% so với năm trước, cùng với đó là việc điều chỉnh giá của nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước.
Ngoài lý do các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, do đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, TCTK cũng cho rằng người dân hiện đã tính toán chi tiêu kỹ hơn. Do đó, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây.
Tín hiệu tốt cho nền kinh tế
Bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nhận xét rằng, bình quân mỗi tháng trong năm 2015, CPI chỉ tăng 0,05%, giữ ở mức thấp và ổn định, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ vào chi phí theo giá thị trường.
Đại diện Vụ Thống kê giá cũng đưa ra nhận định việc theo đuổi mục tiêu lạm phát thấp để tăng trưởng bền vững là rất quan trọng: “Những năm gần đây, chu kỳ lạm phát thấp rất ít, do đó chúng tôi khuyến nghị phải kiểm soát lạm phát chủ động chứ không phải lạm phát rồi mới kiểm soát. Như vậy nền kinh tế mới phát triển bền vững…”
“Mức tăng GDP cao nhất trong vòng 5 năm qua cho thấy sự vận hành của nền kinh tế rất là tốt. Chúng ta không cần đánh đổi việc tăng giá để có được tăng trưởng. Giá thấp nhưng vẫn tăng trưởng tốt, tôi cho rằng đây là một thành công lớn về điều hành trong năm qua”- bà Thủy nói.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK cho biết thêm, năm 2015 nhập siêu của nền kinh tế là trên 3 tỷ USD. “Chúng tôi rất mừng vì nhập siêu như vậy là điều tất yếu của nền kinh tế. Hiện chúng ta sản xuất nhưng vẫn còn phụ thuộc rất nhiều nguyên liệu từ bên ngoài, bởi vậy chúng ta phải nhập siêu để sản xuất. Đây không phải là vấn đề đáng ngại. Tuy nhiên, chúng ta ngày càng hội nhập, cần phải chú trọng đến các ngành công nghiệp phụ trợ để làm sao đủ cung cấp nguyên liệu cho sản xuất để dần tránh phụ thuộc vào bên ngoài.”- ông Lâm cho biết.