Làm rõ chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Làm rõ chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”

Chương trình “mở, linh hoạt”

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, thời điểm triển khai Chương trình mới, ngành Giáo dục có cả những vấn đề cũ còn tồn tại chưa giải quyết xong. Trong khi đó, đổi mới với mục tiêu cao, kỳ vọng lớn, bắt đầu triển khai lại phải đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Bộ trưởng cũng cho rằng, tại thời điểm triển khai giám sát, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang trong lộ trình thực hiện, nhiều thứ mới dừng ở mức độ dự đoán, bước đầu đánh giá, phải đến khi triển khai hết một chu trình mới có thể đánh giá được kết quả. Bởi đối với giáo dục và đối với con người, có những thứ nhìn thấy ngay, nhưng có những thứ - kể cả tích cực, tiêu cực - có khi một vài năm sau và lâu hơn nữa mới đánh giá, mới nhìn thấy được.

Trả lời câu hỏi của của Trưởng Đoàn giám sát “Chương trình đã ổn chưa, có cần điều chỉnh tiếp không?”, Bộ trưởng nhắc tới “hướng mở, linh hoạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018” và thuật ngữ “phát triển chương trình” với khẳng định, việc điều chỉnh có thể thực hiện khi chương trình đang triển khai.

Từ thực tế triển khai những năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau hơn nửa chặng đường triển khai, Chương trình mới đã tạo được sự phấn khởi, luồng sinh khí mới cho ngành Giáo dục, từ giáo viên, đến học sinh, bước đầu đang tạo ra những chuyển biến tích cực. Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục triển khai đi hết chặng đường và thực hiện tổng kết vào năm 2025. Lúc đó, những điều chỉnh cần thiết sẽ được thực hiện với tinh thần hết sức cầu thị để triển khai tốt hơn trong công cuộc chuyển đổi giáo dục.

Ổn định chính sách trong quá trình đổi mới

Về câu hỏi đặt ra “Nên một chương trình một bộ sách giáo khoa hay một chương trình nhiều sách giáo khoa”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu cụ thể 4 góc nhìn về vấn đề này: từ chuyên môn, từ chính sách, từ thực tế và từ dư luận.

Từ góc độ chuyên môn, Bộ trưởng cho biết, ở thời điểm biên soạn và ban hành chương trình, giới chuyên môn đã bàn rất nhiều trước khi đưa ra quyết định. Với một số ý kiến còn khác nhau ở thời điểm hiện tại, Bộ trưởng khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp thu và phân tích kỹ lưỡng để điều chỉnh ở một nhịp phù hợp. Còn ở thời điểm đang triển khai, các ý kiến chuyên môn trực tiếp điều chỉnh ngay về chính sách sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện.

Từ góc độ chính sách, Bộ trưởng nhắc lại quá trình tính toán Đề án của Chính phủ để đề xuất “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, tới yêu cầu trong Nghị quyết 88 về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Bộ trưởng cũng đề cập tới một số phân tích trong đề án về một chương trình nhiều bộ sách như: Nhằm thống nhất triết lý về sự đổi mới là thống nhất trong đa dạng và đa dạng trong thống nhất; có nhiều bộ sách giáo khoa là phù hợp với thông lệ quốc tế; nhiều bộ sách phù hợp với mục tiêu đề cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động của nhà trường và hoạt động của giáo viên mà chương trình mới đặt ra…

“Nếu coi chương trình là chuẩn thống nhất, sách giáo khoa là học liệu thì học liệu đa dạng sẽ tốt hơn chỉ có một học liệu”, Bộ trưởng nói. Đồng thời nhấn mạnh: Hiện nay việc đổi mới đang đi giữa chặng đường, nếu điều chỉnh chính sách quy mô lớn tại thời điểm chưa kết thúc quá trình có thể sẽ tạo nên khủng hoảng trong triển khai chính sách. “Ban hành chính sách cần đánh giá thấu đáo, điều chỉnh chính sách giữa chừng càng cần tính đến tác động. Đặc biệt là tính đến thiệt hại từ tâm lý và sự ủng hộ của người dân với chính sách”.

Từ góc độ thực tiễn, theo Bộ trưởng, việc triển khai một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa sau những lúng túng, bỡ ngỡ vài năm đầu từ lựa chọn sách, sử dụng sách… đến nay đã tạm ổn định, địa phương đã chọn lựa nhiều bộ sách đưa vào giảng dạy, giáo viên đã quen với nhiều bộ sách. “Việc này bắt đầu thành một thói quen và dần thành bình thường. Nếu thay đổi lại sẽ làm thay đổi sự bình thường mà ngành Giáo dục đã hết sức cố gắng xác lập được trong mấy năm vừa qua”, Bộ trưởng chia sẻ.

Từ góc độ dư luận, người đứng đầu ngành Giáo dục cho rằng, đổi mới khó tránh khỏi áp lực, khó tránh khỏi những ý kiến băn khoăn. Tuy nhiên, là những người đang thực hiện, ngành Giáo dục hết sức lắng nghe, xem xét thấu đáo với tinh thần cầu thị. Cũng theo Bộ trưởng, công tác thông tin, truyền thông, giải thích chưa được ngành Giáo dục làm tốt và đây sẽ là một trong những vấn đề được nêu trong báo cáo gửi Đoàn giám sát.

Một trong những kiến nghị được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ổn định chính sách trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ trưởng chia sẻ quan điểm “khi đoàn tàu đang chạy, không nên thay quá nhiều bánh xe, máy móc, thiết bị. Để đoàn tàu chạy hết một chặng đường rồi có điều chỉnh, chắc là sẽ phù hợp hơn”.

Theo Bộ trưởng, đến năm 2025, khi kết thúc một chu trình, nếu có thay đổi có tính chất định hướng hoặc thay đổi lớn thì lúc đó sẽ xem xét thấu đáo. “Ổn định về mặt chính sách là hết sức quan trọng để chúng ta có thể hoàn thành được trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá khi kết luận cuộc làm việc, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là nhiệm vụ lớn có tính chất quan trọng nhưng được bắt đầu triển khai trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Bộ GD-ĐT cùng với sự nỗ lực, chủ động và sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từ Trung ương tới địa phương và cơ sở giáo dục, việc thực hiện đổi mới đã có những kết quả bước đầu. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Về một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế, ông Trần Thanh Mẫn nhìn nhận, một số văn bản pháp quy hướng dẫn triển khai ban hành chậm, gây lúng túng trong triển khai. Công tác tuyên truyền, quán triệt về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong một số thời điểm còn chưa được quan tâm đúng mức nên chưa thực sự tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Việc tổ chức xây dựng, biên soạn, thẩm định và phê duyệt chương trình; yêu cầu về nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá ở một số môn học/hoạt động giáo dục chưa thực sự phù hợp với điều kiện triển khai thực tiễn. Chưa thực sự rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn lực hiện có…

Đọc thêm