Làm rõ điều kiện an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh

(PLVN) - Chiều 27/6, tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), một số ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với loại hình nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, trước thực trạng những vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra trên cả nước trong thời gian qua, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) tán thành với sự cần thiết ban hành Luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Góp ý về phòng cháy đối với nhà ở được quy định tại Điều 17, Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo PCCC, đặc biệt là đối với nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh.

Do đó, Đại biểu đề nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với loại hình nhà ở này, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật.

Chung mối quan tâm, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị có quy định thêm về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh và cho lưu trú tại Điều 17 của dự thảo Luật về PCCC đối với các loại nhà ở để khắc phục bất cập hiện nay, vì loại hình này rất nguy hiểm và cháy, nổ thường xảy ra.

Cũng góp ý về quy định phòng cháy đối với nhà ở tại Điều 17, đối với nhà ở kết hợp kinh doanh quy định tại khoản 2, Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung thêm một khoản quy định điều kiện phòng cháy cao hơn đối với các đô thị có mật độ dân cư cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là thiệt hại về người.

“Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm, hệ lụy mà do quá trình đô thị hóa, nhu cầu nhà ở và kinh doanh đã bỏ qua các yêu cầu về PCCC”, Đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, Luật cần có một chương riêng quy định về thoát nạn; trong đó quy định trách nhiệm, hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình thao tác thoát nạn ở các không gian, vị trí, hoàn cảnh khác nhau để nâng cao hiệu quả thoát nạn, như nhà riêng lẻ có một lối đi, nhà riêng lẻ có 2 lối đi, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở kết hợp cho thuê, nhà ở chung cư cũ không đủ điều kiện PCCC, nhà ở kinh doanh karaoke, kinh doanh quán bar, vũ trường…

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, cụ thể là việc đầu tư lắp đặt hệ thống PCCC không đạt tiêu chuẩn hoặc phương án thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ không bảo đảm an toàn, ý thức của hộ kinh doanh về PCCC còn hạn chế. Vì vậy, Đại biểu cho rằng, cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác này.

Nhấn mạnh nhiệm vụ phòng cháy có vai trò cực kỳ quan trọng, Đại biểu Vũ Thị Liên Hương nêu thực tế, các vụ cháy nổ thường để lại hậu quả rất lớn về người, tài sản và môi trường mà nguyên nhân chủ yếu là chủ quan.

“Phòng cháy tốt sẽ hạn chế tối đa các vụ cháy, hoặc chí ít cũng giảm đáng kể các hậu quả và thiệt hại, thực hiện nhiệm vụ chữa cháy đỡ vất vả hơn. Do vậy, công tác phòng cháy phải được đặc biệt quan tâm”, Đại biểu nói.

Với quan điểm như vậy, Đại biểu đề nghị chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kĩ năng ngăn chặn sự cố cháy xảy ra. Đồng thời, cần chế định đầy đủ việc trang bị kiến thức, kĩ năng về PCCC cho người dân.

Đọc thêm