Làm rõ quyền khiếu nại, tố cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong THADS

(PLVN) -Việc xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến thi hành án hiện nay chưa có quy định cụ thể, dẫn tới một số vướng mắc trong áp dụng quy định về quyền khiếu nại, tố cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp họ là cổ đông của Công ty phải thi hành án.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 140 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) về quyền khiếu nại: “Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan THADS, chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Và theo như quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật THADS thì: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự”. 

Quy định như vậy khiến việc xác định ai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến thi hành án trên thực tế còn vướng mắc. Cụ thể là trường hợp cá nhân là cổ đông, người có cổ phần trong công ty cổ phần phải thi hành án mà muốn khiếu nại thì người có thẩm quyền có ban hành quyết định giải quyết khiếu nại hay không? Vướng mắc tương tự cũng xảy ra trong trường hợp người mua trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng tài sản kê biên thi hành án thì họ có được quyền khiếu nại hay không?

Liên quan đến vấn đề này hiện còn 2 quan điểm giải quyết khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng phải giải quyết khiếu nại do quyết định, hành vi bị khiếu nại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Cụ thể, theo khoản 4 Điều 3 Luật THADS quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. Do đó, trong trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là Công ty cổ phần, mặc dù pháp luật không quy định cụ thể cổ đông của Công ty có quyền khiếu nại nhưng thực tế cho thấy cổ đông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của Công ty nên họ có quyền khiếu nại. 

Tuy nhiên, quan điểm thứ hai cho rằng không chấp nhận giải quyết khiếu nại vì trong trường hợp này, Công ty cổ phần có người đại diện theo pháp luật đã được các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân xác định và cổ đông là người có cổ phần nhưng cổ đông cũng không được Tòa án xem xét với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình xét xử. 

Mặt khác, qua theo dõi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương Tổng cục đã xử lý nhiều trường hợp thụ lý và giải quyết khiếu nại đối với những người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. Ví dụ: Chấp hành viên Chi cục THADS quận A ban hành Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất của ông B (Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đứng tên ông B) để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án của ông B tại Bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tuy nhiên, sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, ông B lại chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà C bằng giấy sang nhượng viết tay. Khi Chấp hành viên kê biên, bà C có đơn khiếu nại Quyết định cưỡng chế kê biên của Chấp hành viên Chi cục THADS quận A. Chi cục trưởng Chi cục THADS quận A đã thụ lý và ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại của bà C. 

Trong trường hợp trên, việc Chi cục THADS quận A thụ lý giải quyết khiếu nại của bà C là không đảm bảo căn cứ pháp lý bởi đối tượng của khiếu nại là Quyết định cưỡng chế thi hành án của chấp hành viên không tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của bà C. Chấp hành viên chỉ có thể hướng dẫn bà C khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật THADS. Nếu chấp hành viên không hướng dẫn bà C quyền khởi kiện và bà C có khiếu nại thì Chi cục trưởng Chi cục THADS quận A mới thụ lý, giải quyết khiếu nại đối với hành vi của Chấp hành viên.

Như vậy, việc xác định ai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến thi hành án hiện nay chưa có quy định cụ thể, còn vướng mắc, nhất là trong việc xem xét, giải quyết khiếu nại về THADS. Do đó, cần quy định cụ thể thế nào là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền khiếu nại về thi THADS” để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan THADS, các Chấp hành viên trong quá trình áp dụng pháp luật.

Đọc thêm