Lâm sản xuất siêu ấn tượng

(PLO) - Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản chính liên tục giữ mức tăng trưởng trung bình trên 14%  so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu chỉ tăng nhẹ khoảng 0,4%. Do đó, giá trị xuất siêu lâm sản chính là con số ấn tượng của ngành nông nghiệp nửa đầu năm 2018.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Tổng Cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản chính tháng 7/2018 ước đạt trên 681 triệu USD. Như vậy, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,025 tỷ USD, tương đương với 55,83% kế hoạch năm, chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 7 tháng ước đạt 3,77 tỷ USD. Riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,52 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm lâm sản chính gồm: Gỗ thành phẩm, dăm gỗ, các loại gỗ khác và một số mặt hàng lâm sản ngoài gỗ như: mây, tre, cói, thảm, quế.  Gỗ thành phẩm đã qua chế biến có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong số các mặt hàng trên, thu về trên 3,2 triệu USD trong tổng số hơn 5,025 tỷ USD xuất khẩu của toàn ngành.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2018. Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Malaysia (109% với giá trị: 52,3 triệu USD, mặt hàng chủ yếu là gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép - Mã 4412), Hàn Quốc (52,8%), Pháp (24,8%), Hoa Kỳ (12,5%) và Úc (14,8%). Kim ngạch xuất khẩu lâm sản chính 7 tháng đầu năm 2018 liên tục tăng trưởng, mức tăng trưởng trung bình đạt 14% so với cùng kỳ năm 2017.

Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 14% so với cùng kỳ, nhưng giá trị nhập khẩu chỉ tăng nhẹ. Theo đó, ước giá trị nhập khẩu tháng 7/2018 đạt 170 triệu USD nâng tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 1,24 tỷ USD, chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do các tổ chức, cá nhân đã chuẩn bị vùng trồng rừng nguyên liệu đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng để cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Cũng theo Tổng Cục Lâm nghiệp, để tìm kiếm giải pháp khai thác tiềm năng,  thúc đẩy nhanh, bền vững, nâng cao giá trị ngành hàng lâm sản, vào ngày 08/08/2018 tới đây tại TP Hồ Chí Minh, sẽ diễn ra Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”. Hội nghị sẽ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Với sự góp mặt tham gia ý kiến của hơn 500 doanh nghiệp gỗ, các cơ quan ban ngành liên quan, các tổ chức trong và ngoài nước, hội nghị được kỳ vọng sẽ khơi thông những vấn đề còn tồn tại, đồng thời đưa ra định hướng phát triển cụ thể trong thời gian tới.

Đọc thêm