Xuất khẩu gỗ 'về đích' sớm 3 lần: Bức tranh vẫn còn gam màu tối

(PLO) - Tính đến cuối tháng 1/2018 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8 tỷ USD, chạm mục tiêu 8-8,5 tỷ USD đến năm 2020 đề ra trong Chương trình Mục tiêu Phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu gỗ của Việt Nam không chỉ toàn màu sáng.
Trong 70% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, riêng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ là 5,2 tỷ USD, chiếm tới 70%.
Trong 70% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, riêng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ là 5,2 tỷ USD, chiếm tới 70%.

Tăng trưởng nhờ… “ông láng giềng”

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 8 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ  đạt gần 7,7 tỷ USD,  300 triệu USD còn lại trong số 8 tỷ USD là giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như sản phẩm mây tre, cói và thảm.  Theo ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), với mức kim ngạch này, ngành Gỗ đã có vị trí số 6 trong bảng xếp hạng các ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước. “Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang có triển vọng tăng trưởng tốt, vì thế ngành Gỗ đã tự tin nói với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT rằng năm 2018 này sẽ phấn đấu đạt kim ngạch 9 tỷ USD” - Chủ tịch Vifores chia sẻ.

Theo ông Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends), xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng cả về lượng và về chất. Trong 70% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, riêng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ là 5,2 tỷ USD, chiếm tới 70%. Đồ gỗ nội thất, ghế và dăm gỗ là các sản phẩm xuất khẩu có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Trong đó đồ gỗ nội thất/bộ phận đồ gỗ nội thất (chưa kể ghế) có tổng giá trị xuất khẩu tới gần 3,8 tỷ USD tăng 8,6% so với năm 2016; tiếp theo, gỗ dán xuất khẩu đạt 386,6 triệu USD, tăng 34,7% so với giá trị năm 2016 và xuất khẩu ghế ngồi đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng trên 19% so với giá trị năm 2016. 

Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang xuất khẩu sang khoảng 20 quốc gia, trong đó 4 thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2017, kim ngạch từ 4 thị trường này lên tới trên 5,8 tỷ USD, chiếm gần 76% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 40,2%, kim ngạch tăng 13,6% so với 2016 (tương đương 369 triệu USD) và 19,5% so với năm 2015. Thị trường Trung Quốc chiếm 14,2%, xuất khẩu tăng 5,7% so với năm 2016. Nhật Bản chỉ chiếm 12,9% và tốc độ tăng trưởng kim ngạch chỉ có 2,8% so với năm 2016. Hàn Quốc chiếm 8,8% nhưng mức tăng trưởng kim ngạch tới 16,2% so với năm 2016. EU cũng là một trong những thị trường quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 sang EU chiếm 9,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành Gỗ. 

Theo Chủ tịch Vifores, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành Gỗ Việt Nam tăng cao năm 2017 có nguyên nhân chủ yếu là do việc mở rộng xuất khẩu đối với các mặt hàng đồ gỗ. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm này tăng trên 15% về kim ngạch so với năm 2016. 

Tuy nhiên, một nguyên nhân được Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), ông Huỳnh Văn Hạnh đưa ra phân tích, đó là sự tụt giảm tính cạnh tranh của ngành gỗ Trung Quốc do ngành này bị Hoa Kỳ kiện bán phá giá và do chính sách áp dụng thuế xuất khẩu đồ gỗ của Chính phủ Trung Quốc. Thêm vào đó, suy thoái kinh tế từ các năm 2008-2009 tại châu Âu làm giảm sức sản xuất tại châu lục này, từ đó tạo cơ hội cho ngành Gỗ Việt Nam. 

Tình trạng thiếu hụt lao động và giá lao động cao tại Trung Quốc, Malaysia và Indonesian – các quốc gia cạnh canh về chế biến gỗ xuất khẩu với Việt Nam cũng tạo cơ hội cho ngành gỗ chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phát triển.  

Thách thức phát triển bền vững

Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam hiện đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của châu Á. Điều này cũng đồng nghĩa với sức ép nhập khẩu gỗ nguyên liệu do nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất chính là khó khăn do các thay đổi tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là 4 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam trong tương lai. Cụ thể, với thị trường Hoa Kỳ, chính sách thương mại của Tổng thống Trump hiện đi theo hướng giảm thâm hụt thương mại, bảo hộ mậu dịch, khuyến khích sản xuất trong nước. Chính sách này đã có tác động trực tiếp đến Trung Quốc, quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn nhất từ Hoa Kỳ.

Thời gian gần đây đã cho thấy sự tăng trưởng trong đầu tư vào ngành Gỗ của các DN Trung Quốc vào Việt Nam. Có thể sự dịch chuyển này là những động thái nhằm tránh các chính sách về thuế của Hoa Kỳ áp dụng cho các mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Gia tăng đầu tư Trung Quốc vào chế biến gỗ của Việt Nam cũng có thể là phản ứng của các DN Trung Quốc với chính sách môi trường ngày càng nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc đối với các ngành sản xuất nội địa và có thể để tránh thuế xuất khẩu vừa mới được Chính phủ Trung Quốc áp dụng. Tăng đầu tư của Trung Quốc vào ngành Gỗ của Việt Nam ẩn chứa những rủi ro cho ngành Gỗ Việt Nam 

Với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đến nay Trung Quốc là thị trường rất mở đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Thặng dư thương mại các mặt hàng gỗ của Việt Nam từ thị trường này khoảng trên 600 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này chủ yếu là các sản phẩm thô, như dăm gỗ, các loại gỗ tròn/đẽo vuông thô và gỗ xẻ. 

Trung Quốc đang cân nhắc áp dụng chính sách từng bước  (step-wise) trong việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng tại quốc gia này. Hiện Chính phủ đã áp dụng quy định chỉ có gỗ hợp pháp được sử dụng trong các cơ quan công quyền. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Gỗ sạch và đạo luật này đã có hiệu lực vào tháng 5/2017. Hiện Chính phủ đang ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng Đạo luật này. Chính phủ Hàn Quốc ban hành Đạo luật Sử dụng gỗ bền vững và chính thức có hiệu lực vào tháng 3 năm 2018.

“Thực thi các Đạo luật này có thể đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào thị trường này. Điều này sẽ tác động đến các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường này trong thời gian tới…” - đại diện tổ chức  Forest Trends cảnh báo.

Đọc thêm