Làm sáng tỏ vụ một công dân chết tại trụ sở công an xã

Một công dân lương thiện đang mặc quần đùi, áo may ô nằm ngủ ở nhà với vợ con thì bị công an ập vào, cưỡng ép lên trụ sở Công an xã. Mấy giờ sau, công dân này thiệt mạng, trên cơ thể có nhiều vết bầm tím và gẫy xương sườn.

Một công dân lương thiện đang mặc quần đùi, áo may ô nằm ngủ ở nhà với vợ con thì bị công an ập vào, cưỡng ép lên trụ sở Công an xã.

Mấy giờ sau, công dân này thiệt mạng, trên cơ thể có nhiều vết bầm tím và gẫy xương sườn.

Gần bốn tháng sau khi anh Đặng Trung Trịnh đột tử ở trụ sở Công an - UBND xã Tiên Động (Tứ Kì, Hải Dương), nét đau đớn vẫn hằn rõ trên khuôn mặt của chị Vũ Thị Phương và hai đứa con thơ dại.

Trong căn nhà nhỏ xập xệ ở thôn Đoàn Khê, chị Phương vừa dỗ con vừa kể về cái ngày định mệnh đó - ngày mà chị mất đi người chồng, chổ dựa vững chải cả về tinh thần và kinh tế của cả gia đình...

Công an bắt cóc dân

Vợ của nạn nhân cho biết, ngày 28/11/2009, anh Trịnh đang nằm ngủ ở nhà thì ba người là công an xã Tiên Động kéo đến.

Không xuất trình giấy tờ, không có giấy mời hay giấy triệu tập, họ phá cửa, trói anh Trịnh bằng dây thừng, ép anh ngồi lên xe máy rồi áp giải lên trụ sở Công an - UBND xã Tiên Động.

Chị Phương hồi tưởng: “Khi đó chồng tôi chỉ mặc quần đùi, áo may ô và ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Sự việc được nhiều người chứng kiến”.

“Vài giờ sau, gia đình tôi nghe hung tin anh Trịnh bị đánh chết tại UBND xã nhưng khi chạy đến, chúng tôi bị cán bộ xã nhốt vào buồng, không cho gặp nạn nhân. Phía Công an xã nói rằng phải chờ cơ quan cấp trên xuống kiểm tra và mổ pháp y tìm hiểu nguyên nhân”, chị Phương bật khóc.

Theo gia đình nạn nhân, trước khi bị giải lên trụ sở xã, anh Trịnh có sang chơi nhà người anh họ ở cùng thôn Đoàn Khê là Đặng Trung Thịnh trong tình trạng có men rượu.

Tại đây, anh Trịnh  đã phá hỏng mấy viên gạch và làm cháy tấm ni lông che đống rạ của nhà anh Thịnh.

“Hôm sau, khi nhận bàn giao thi thể chồng tôi để mai táng, UBND xã đưa cho gia đình tôi 20 triệu đồng bảo ký nhận là tiền hỗ trợ mai táng”, chị Phương nức nở.

ngoc
Vợ mất chồng, con mất cha: Nỗi đau nào bằng?

Nhỡ tay... gẫy xương sườn

Phóng viên đã gặp nhiều nhân chứng trong xã như các anh, chị Nguyễn Thị Ngọc, Trần Khánh Kiệm, Đặng Thị Xuân, Nguyễn Thị Loan, Đặng Trung Chỉnh, Đào Thị Phương...

Những người này đều xác nhận việc anh Trịnh bị “áp giải” lên xã một cách bất thường trong tình trạng chỉ mặc quần áo lót và có dấu hiệu say xỉn.

Chưa hết, khi tiến hành mổ pháp y, cơ quan chức năng phát hiện xương sườn của anh Trịnh bị gẫy rạn, tay có một vết xước còn rớm máu. Đặc biệt, trên thi thể của nạn nhân Trịnh có rất nhiều vết thâm tím.

Sau đó, Công an huyện Tứ Kỳ bất ngờ có công văn trả lời về nguyên nhân anh Trịnh chết là do... “xuất huyết mạch mạc treo ruột, chảy máu ổ bụng do xơ gan” (?), và ra quyết định không khởi tố vụ án.

Lý giải về việc nạn nhân bị gẫy rạn xương sườn, Phó trưởng Công an huyện Tứ Kỳ - ông Đỗ Công Phúc cho rằng, tổn thương cơ thể này là do... hô hấp nhân tạo hoặc do công an viên nhỡ tay khi đưa nạn nhân đi cứu chữa (?).

Luật sư Đinh Ngọc Phán - Đoàn luật sư Hải Dương đặt nghi ngờ về kết luận này vì theo y học, bệnh gan, xơ gan không thể gây ra đột tử như bệnh tim. Hơn nữa, hô hấp nhân tạo là để cứu người, không ai lại cứu người bằng cách làm cho nạn nhân... gẫy xương sườn.

Bắt đầu sáng tỏ

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Huy Thái - Phó Viện Trưởng VKSND tỉnh Hải Dương cho biết: Sau khi rút hồ sơ để xem xét, VKSND tỉnh đã có Quyết định số 01/QĐ/VKS/P1A ngày 8/4/2010 hủy bỏ quyết định của Viện trưởng VKSND huyện Tứ Kỳ .

VKSND tỉnh cũng yêu cầu Viện trưởng VKSND huyện tiếp tục giải quyết đơn khiếu nại của gia đình nạn nhân.

Cũng theo ông Thái, VKSND tỉnh đã yêu cầu giám định lại, điều tra lại về cái chết nhiều nghi vấn của anh Trịnh.

Trong một diễn biến khác, Thanh tra Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, Sở Y tế tỉnh và đã có công văn thông báo cho gia đình là đã chuyển đơn khiếu nại của gia đình lên Viện Pháp y quốc gia giải quyết theo đúng quy định của Pháp lệnh Giám định pháp y.

Dù đang sống trong cảnh mất trụ cột, gia đình nghèo túng quanh năm nhưng chị Phương, bà Hào và hai cháu nhỏ ngơ ngác vẫn đang kiên trì theo đuổi công cuộc đấu tranh đòi công lý với niềm tin về một xã hội công bằng mà pháp luật là thượng tôn.

Tuấn Ngọc

Đọc thêm