Chưa giải quyết triệt để tình hình đe dọa người tố cáo
Trước khi Luật Tố cáo năm 2011 được ban hành, hiện tượng mua chuộc, trù dập, đe dọa và thực hiện các hành vi bạo lực đối với người tố cáo và người thân của họ gây nhiều bức xúc trong dư luận. Điển hình như anh Đặng Vũ Thắng, nhân viên kế toán Thảo Cầm Viên – TP HCM do tố cáo những sai phạm ở Thảo Cầm Viên nên đã bị một số cán bộ, trong đó có cả Giám đốc Thảo Cầm viên đã thuê côn đồ sát hại. Hay ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) vì tích cực tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng mà bị Quận ủy Cầu Giấy cho thôi chức vụ Bí thư và chỉ đạo miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐND phường… Vì vậy, Luật Tố cáo năm 2011 đã bước đầu đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Trong những năm qua, công dân đã chủ động, tích cực thực hiện quyền tố cáo, số lượng đơn thư tố cáo của công dân có chiều hướng gia tăng. Điều này chứng tỏ người dân đã biết phát huy quyền dân chủ trong đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, nhân dân không còn thờ ơ với công việc của Nhà nước, ý thức được trách nhiệm của mình và biết đấu tranh góp phần ổn định trật tự xã hội, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu, đại diện cho đông đảo quần chúng nhân dân tích cực trong việc phản ánh, lên án, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật (tham nhũng), tiêu cực nơi sinh sống, công tác và làm việc, góp phần to lớn vào việc ngăn ngừa và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng ở nước ta.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều vấn đề đặt ra trong việc thực hiện quyền tố cáo của công dân. Nổi lên là tình hình đe dọa, xâm hại đối với người tố cáo vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mặc dù chưa cơ quan, đơn vị nào có báo cáo hoặc thống kê chính thức về hiện trạng người tố cáo bị đe dọa nhưng có thể xác nhận những tác động của người vi phạm hoặc thân nhân của người vi phạm là có thật và là nguyên nhân dẫn đến một số vụ án hình sự không được làm rõ hoặc không được xử lý triệt để và dẫn đến các kết quả tiêu cực khác. Bởi thế, muốn người dân tích cực, chủ động thực hiện quyền tố cáo thì người tố cáo, người thân của người tố cáo phải được bảo vệ khỏi những đe dọa, trù dập và đây chính là một mục đích trong việc xây dựng Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).
Sẽ hạn chế các đơn thư, tố cáo nặc danh
Đại diện cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật Tố cáo (Thanh tra Chính phủ) cũng nhận định, các quy định về bảo vệ người tố cáo của Luật năm 2011 chưa cụ thể, khó thực hiện, chưa tạo nên thiết chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất. Theo đó, trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành về bảo vệ người tố cáo, Dự thảo Luật sửa đổi đã dành một chương (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo.
Bên cạnh một số quy định chung về bảo vệ người tố cáo, Dự thảo Luật quy định nhiều nội dung bảo vệ người tố cáo. Cụ thể, bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo trong quá trình tiếp nhận giải quyết tố cáo; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo. Dự thảo Luật cũng quy định bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo trong trường hợp họ là cán bộ, công chức, viên chức và trong trường hợp họ là người làm việc theo hợp đồng lao động mà không phải là viên chức...
Dự thảo Luật còn quy định trong quá trình giải quyết tố cáo khi có căn cứ cho rằng người tố cáo, người thân thích của người tố cáo bị người có thẩm quyền quản lý, sử dụng có hành vi trù dập, phân biệt đối xử hoặc thuyên chuyển công tác dẫn đến giảm thu nhập, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì cơ quan giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng các biện pháp theo quy định để bảo vệ người bị phân biệt đối xử. Ngoài ra, để phù hợp với thực tiễn, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về việc bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.
Thanh tra Chính phủ kỳ vọng, với các quy định trên, người dân sẽ tích cực, dũng cảm tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tố cáo các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; hạn chế, loại trừ những vụ việc người tố cáo bị đe dọa, trả thù, trù dập. Nếu các quy định được thông qua và việc tổ chức thực hiện tốt thì sẽ hạn chế được các đơn thư, tố cáo nặc danh, mạo danh gây dư luận xấu trong các cơ quan, tổ chức.