Làm sao để Toán học là lựa chọn của người trẻ Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 1974, khi đất nước còn chưa kết thúc chiến tranh, theo sáng kiến của một số nhà Toán học, đứng đầu là GS. Hoàng Tụy và được sự ủng hộ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Việt Nam lần đầu tiên cử đoàn 5 học sinh tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế dành cho học sinh trung học tại Cộng hòa Dân chủ Đức…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: MT).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: MT).

Việt Nam trong top 10 thế giới với 69 Huy chương Vàng

Dẫn đoàn là hai nhà giáo Lê Hải Châu và Phan Đức Chính. Ngay trong lần đầu tiên tham dự, các học sinh Việt Nam đã gây bất ngờ lớn với thành tích xuất sắc 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng.

Cho đến nay, riêng đội tuyển Việt Nam có 289 lượt học sinh tham dự IMO và đã đạt được 69 huy chương Vàng, 118 huy chương Bạc, 84 huy chương Đồng, 3 bằng khen. Trong 50 năm qua, các đội tuyển IMO Việt Nam có thành tích tương đối ổn định, được bạn bè các nước đánh giá cao không chỉ về số lượng huy chương mà còn về các thành tích nổi trội đặc biệt. Như điểm tuyệt đối 40/40 của cựu học sinh Lê Bá Khánh Trình năm 1979; hai năm liền đoạt huy chương Vàng quốc tế của cựu học sinh Ngô Bảo Châu năm 1988 và 1989, của cựu học sinh Vũ Ngọc Minh năm 2001 và 2002…

Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) là Kỳ thi Toán học thế giới dành cho học sinh trung học được tổ chức hàng năm. Kỳ thi được tổ chức từ năm 1959 tại Romania, Việt Nam bắt đầu tham gia năm 1974 đến nay và đã có 48 lần cử đội tham gia các Kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Trong suốt lịch sử 50 năm đã có 10 học sinh xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối, 10 học sinh được 2 huy chương vàng. Xét theo thành tích đồng đội không chính thức, đội IMO Việt Nam nằm trong top 10 thế giới trong phần lớn các năm dự thi.

GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người đã tham gia dẫn đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi IMO trong 11 năm (2013-2023) cho hay, có 3 năm đội Việt Nam đứng thứ 3 trên toàn thế giới. Trong đó, năm 2017, Việt Nam có thành tích tốt nhất với 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. Đây là điều đáng tự hào, tăng vị thế của Việt Nam trên trường thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là đã thúc đẩy tinh thần học Toán trong các trường, đặc biệt là các trường chuyên. “IMO đã tạo nên phong trào học Toán, khoa học tốt hơn rất nhiều. Hằng năm, 6 bạn đi thi IMO chỉ là một góc nhỏ chúng ta tự hào. Ý nghĩa lớn hơn của việc này là thúc đẩy tinh thần học Toán của hàng ngàn học sinh ở các trường chuyên trên khắp cả nước”, GS.TS. Lê Anh Vinh bày tỏ.

Để đạt được thành tích xuất sắc ấy, bên cạnh sự thông minh, chăm chỉ, nỗ lực của các học sinh, còn nhờ vào sự dạy bảo, chăm sóc của các thầy cô giáo, sự quan tâm, tạo điều kiện của các nhà quản lý và đặc biệt là chính sách của nhà nước và trực tiếp là của Bộ GD&ĐT. Thành tích trong các kỳ thi quốc tế bậc trung học phổ thông khẳng định khả năng tư duy của thế hệ trẻ người Việt, góp phần khuyến khích học tập, đào tạo hiền tài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong 50 năm Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán quốc tế, đã đạt được thành tích rất tốt, ngay ở năm đầu tiên tham dự. Tuy nhiên, điều chúng ta tự hào không chỉ ở học sinh đi thi Olympic Toán học quốc tế, mà là nhiều nhà Toán học đã đạt được những thành công rất lớn ở trong nước và thế giới.

Các cựu IMO chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: MT)

Các cựu IMO chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: MT)

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD&ĐT luôn đề cao vai trò môn Toán từ phổ thông đến đào tạo đại học, sau đại học, trong nghiên cứu, nhất là trong giai đoạn phát triển khoa học công nghệ như hiện nay. Nhưng trong các trường đại học, ở một số ngành, một số lĩnh vực vẫn có hiện tượng coi nhẹ môn Toán. Nhiều chương trình, nhiều ngành đã cắt giảm thời lượng môn Toán, ngay cả chất lượng giảng dạy môn Toán ở trong nhiều trường kỹ thuật cũng không thực sự hấp dẫn. Thứ trưởng Sơn mong rằng trong thời gian tới, với sự chung tay của các nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học, chúng ta quan tâm hơn tới việc dạy và học môn Toán, làm sao cho học sinh, sinh viên học môn Toán có hiệu quả hơn.

“Phải làm tốt hơn việc dạy Toán từ phổ thông, nghiên cứu tốt hơn ở bậc đại học. Làm sao Toán học không chỉ chiếm thời lượng nhiều hơn trong chương trình đại học mà việc dạy và học Toán phải tạo hứng thú tốt hơn, hiệu quả hơn cho người học. Như vậy, sự phát triển mới bền vững”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) sau nhiều năm gắn bó với nền Toán học nước nhà, GS cảm thấy rất vui mừng về sự đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng Toán học Việt Nam trong và ngoài nước. Vui mừng về sự quan tâm của Chính phủ, và Toán học vẫn là một trong những môn học được yêu thích của các bạn trẻ Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó cũng vẫn còn những câu hỏi đặt ra như: làm sao để phong trào học Toán được bền vững, sâu rộng hơn? Làm sao để môn Toán và các môn học cơ bản khác trở thành lựa chọn một cách tự nguyện của người trẻ?.

Hiện nay, chúng ta đang nói rất nhiều về đào tạo nhân lực cho trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và việc làm chủ được những công nghệ này. Tuy nhiên, làm sao có thể làm chủ được nếu như thời lượng các môn Toán và có lẽ nhiều môn học cơ bản khác bị cắt giảm, cả ở bậc phổ thông lẫn đại học? Trong thời đại bùng nổ thông tin và trí tuệ nhân tạo, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, chúng ta cần tránh nhồi nhét thêm những kiến thức mới, mà cần trở về với những nền tảng cơ bản, với những nguyên tắc lập luận, tư duy cơ bản.

Và những triết lý cuộc đời từ môn Toán

Bàn về Toán học, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, hiện dư luận xã hội có nhiều người băn khoăn về môn Toán và học Toán. Họ thường đặt ra câu hỏi: Học Toán để làm gì? Tại sao phải học Toán nhiều như vậy trong khi cả đời chẳng bao giờ dùng đến tích phân, vi phân hay giải phương trình bậc hai?...

GS Ngô Bảo Châu và các diễn giả tham gia toạ đàm nhân dịp 50 năm Việt Nam tham dự IMO. (Ảnh: MT).

GS Ngô Bảo Châu và các diễn giả tham gia toạ đàm nhân dịp 50 năm Việt Nam tham dự IMO. (Ảnh: MT).

Theo GS Ngô Bảo Châu, học Toán không phải chỉ để giải phương trình mà để tăng khả năng ra quyết định một cách độc lập. Quyết định ở đây không phải vì nghe người ta bảo thế mà phải tự biện chứng với chính mình, rằng quyết định đó với mình là đúng đắn. Do vậy, học Toán không chỉ quan trọng với người làm khoa học mà còn quan trọng và có ý nghĩa với tất cả mọi người. Đất nước sẽ lớn mạnh khi mọi người có kỹ năng tư duy độc lập và duy lý. Diện mạo đất nước cũng thay đổi tích cực nếu học sinh và người dân học Toán tốt hơn.

PGS.TS. Nguyễn Phi Lê - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (BKAI), ĐH Bách Khoa Hà Nội - người từng giành Huy chương Bạc tại IMO 2000, cũng là nữ sinh thứ 11 của Việt Nam giành huy chương trong lịch sử IMO Việt Nam thì toán học có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Học Toán không phải để hướng đến các cuộc thi mà quan trọng, Toán cho người ta tư duy logic tốt. Khi học Toán chuyên sâu trong một thời gian dài đồng nghĩa với việc được rèn luyện tính kiên trì, không ngại khó, ngại khổ. Bởi nếu gặp vấn đề gì thì sẽ tập trung, cố gắng vượt qua trở ngại và đạt được mục đích. PGS.TS Nguyễn Phi Lê nêu quan điểm, không phải làm nghiên cứu về Toán mới dùng đến toán mà Toán sẽ áp dụng được trong nhiều ngành, nghề, nhiều lĩnh vực. Nếu có kiến thức Toán chuyên sâu, học tốt môn Toán sẽ giúp ích rất nhiều cho mỗi người. Trong điều hành, trong cuộc sống cũng vậy, nếu người nào có tư duy tốt thì sẽ có kỹ năng tổng hợp, bao quát tốt, từ đó lên kế hoạch, giải quyết vấn đề tốt.

Với TS Phạm Tuấn Huy, ĐH Stanford, Hoa Kỳ, người từng 2 lần giành Huy chương Vàng IMO (2013, 2014), kiến thức Toán có thể không liên hệ trực tiếp với công việc nhưng rất có ý nghĩa trong rèn luyện cho anh tính kiên trì, không ngại khó. Lấy ví dụ, khi giải Toán sơ cấp, anh mong sẽ có lời giải thật đẹp nhưng khi đi thi thì không phải lúc nào cũng tìm được lời giải như mong muốn. Cũng như cuộc sống, chúng ta luôn gặp những con đường gập ghềnh nhưng dù khó như thế nào thì vẫn phải cố gắng để đi từ từ và kiên nhẫn hết mức có thể - như vậy, sớm muộn cũng sẽ đi đến bước cuối cùng. Triết lý này anh có được từ việc học Toán và anh luôn mang theo trong hành trang cuộc sống và công việc sau này.

Ông Phạm Kim Hùng - cựu IMO cũng là CEO của Công ty Cổ phần True Platform. Ông nổi tiếng là startup trẻ thành danh trong lĩnh vực công nghệ thông tin với nền tảng SaaS (Software-as-a-Service) đầu tiên trong khu vực. Ông Phạm Kim Hùng cũng là người từng đoạt Huy chương Vàng IMO 2004 và Huy chương Bạc IMO 2005, giành học bổng toàn phần tại ĐH Stanford, Mỹ chia sẻ, triết lý của Toán học và tư duy logic của Toán học giúp ích ông rất nhiều trong cuộc sống cũng như trong công việc. Giá trị lớn nhất khi học Toán là giúp cho ông sự kiên trì-có thể tập trung trong thời gian dài.

Và chứng minh tư duy Toán giúp ích nhiều trong các ngành nghề khác nhau, biên tập viên, bình luận viên bóng đá Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Hữu Việt Khuê có chia sẻ thú vị. BTV Việt Khuê từng tốt nghiệp Thủ khoa chương trình đào tạo Cử nhân khoa tài năng Toán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội và cũng là Thủ khoa đại học toàn quốc năm 2006, cựu học sinh tiêu biểu Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, từng được cộng đồng mạng trầm trồ với bảng điểm đại học “toàn 10”. Anh cho hay, tuy hiện làm một công việc không liên quan gì đến Toán nhưng kiến thức Toán và tư duy logic của người học Toán giúp ích anh rất nhiều trong công việc. Đơn cử, trong vòng chung kết EURO 2024, vòng đấu giữa Bỉ - Rumani- Slovakia - Ukraina có 4 đội bằng điểm nhau. Trước trận cuối cùng, rất nhiều khả năng có thể xảy ra với 4 đội và anh đã dành khoảng 2 phút để phân tích các khả năng này với người yêu bóng đá trên sóng truyền hình. Sau chương trình đó, anh nhận được nhiều phản hồi tích cực từ đồng nghiệp và khán giả. Theo anh, đó chỉ là ứng dụng nho nhỏ với những gì đã được học về môn Toán…

Đọc thêm