Người lao động không chịu nổi DN thiếu văn hóa
Văn hóa DN, theo định nghĩa của Tạp chí kinh doanh Harvard (Harvard Business Review), là “cách mọi thứ được thực hiện tại DN”. Trong một nền văn hóa công ty lành mạnh, người nhân viên cảm thấy hài lòng, được trân trọng, sẽ nảy sinh niềm yêu thích với công việc; từ đó họ sẽ có trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng, cũng như đối tác của cơ quan. “Những người nhân viên hạnh phúc có nghĩa là khách hàng hài lòng và cổ đông vui vẻ, cuối cùng lợi nhuận sẽ tăng theo”; đó là chân lý được theo bởi nhiều ông chủ nổi tiếng trên thế giới, bao gồm tỷ phú Bill Gates, ông chủ Virgin Group – Richard Branson, ông chủ Starbucks – Howard Schultz, tỷ phú “người sắt” Elon Musk…
Nếu muốn phát triển bền vững, DN dù ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần chú trọng đến việc xây dựng văn hóa DN. Song, trong thị trường thay đổi vũ bão như hiện nay, việc xây dựng văn hóa DN ở Việt Nam thường xuyên bị coi nhẹ. Văn hóa DN độc hại ngày càng rõ ràng khi bắt đầu nảy sinh những sự cố về con người và hệ thống, đặc biệt, khi những người nhân viên tâm huyết, cần cù đều quyết định rời đi, tìm kiếm các tổ chức có giá trị cốt lõi tuyệt vời, đồng thời giúp họ cân bằng công việc và cuộc sống.
Văn hóa DN, dù là tích cực hay tiêu cực, đều có thể trở nên dễ nhận biết “bên ngoài bốn bức tường” của tổ chức; như việc người ta tẩy chay Khaisilk, Uber bởi những lùm xùm liên quan tới lạm dụng nhân viên, gian dối trong kinh doanh. Văn hóa DN kém khiến các công ty không làm hài lòng được đội ngũ nhân sự của mình và không giữ chân được những người lao động lâu dài. Tuy họ có thể thành công trong thời gian ngắn, nhưng không thể tiến xa và bền vững được.
Cách hành xử “thiếu văn hóa” của DN không hề lạ lẫm với nhiều sinh viên, học sinh mới ra trường, bắt đầu đi làm. Nhiều người đi làm đang phải tự hỏi, phải chăng, “làm vì đam mê" chỉ là một công cụ được ngụy trang cho việc bóc lột sức lao động của các DN, là cái cớ để trả lương thấp cho nhân viên, bắt họ làm thêm giờ không lương và thậm chí là vắt kiệt cho tới giọt mồ hôi cuối cùng?
Để văn hóa DN không chỉ là khẩu hiệu
Thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy, song song với việc coi nhẹ văn hóa DN, việc xây dựng thương hiệu cũng bị nhận thức sai lệch. Nhiều ý kiến của các chuyên gia và đại diện các DN đã thẳng thắn chỉ rõ thực trạng không ít DN vì lợi nhuận mà bất chấp; vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng.
Theo TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, ẩn sâu trong vấn đề văn hóa, đạo đức kinh doanh là triết lý thị trường, triết lý phát triển của các DN và triết lý về cuộc sống. Với ý nghĩa này, chữ doanh nhân và DN sẽ được viết đúng nghĩa là văn hóa, đạo lý, đạo đức trong cách làm ăn. PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh) nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng thương hiệu, DN đưa ra những cam kết và phải thực hiện đầy đủ các cam kết. Đó là những cam kết có trách nhiệm, dựa trên những mong ước của khách hàng.
Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 10.11 hàng năm là “Ngày Văn hóa DN Việt Nam”, với những nội dung quan trọng về xây dựng văn hóa DN như: Xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa DN Việt Nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh; làm lành mạnh môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật...
Làm sao để văn hóa DN, đạo đức kinh doanh ở Việt Nam không còn chỉ là khẩu hiệu? Làm sao có thể xây dựng được những giá trị cốt lõi và nền văn hóa DN lành mạnh? Làm sao có thể “đánh bóng” thương hiệu một cách chuyên nghiệp và thực chất nhưng vẫn tuân thủ pháp luật? Đó là những câu hỏi khó nhưng buộc mọi DN phải tư duy trong bối cảnh hiện nay, để gây dựng được những hình ảnh đẹp, không chỉ đối với chính nhân viên của tổ chức, mà còn đối với khách hàng, đối tác và thậm chí cả các đối thủ của họ.