Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến có chủ đề “Đánh giá và phân loại CBCCVC làm sao cho thực chất” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều qua (19/12).
Đề xuất sửa quy định về sáng kiến
Theo ông Trương Hải Long (Phó Vụ trưởng Vụ công chức viên chức, Bộ Nội vụ), việc đánh giá, phân loại CBCCVC là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ được Đảng và Nhà nước quan tâm. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56 về đánh giá và phân loại CBCCVC. Hơn 1 năm kể từ khi Nghị định 56 có hiệu lực, công tác đánh giá và phân loại CBCCVC đã có nhiều điểm mới, đã mở rộng dân chủ hơn và đánh giá sát hơn.
Tuy nhiên, ông Long cũng thừa nhận, ngoài các kết quả đã đạt được, một số quy định về đánh giá CBCCVC trong Nghị định còn chưa sát với thực tiễn. Ví dụ, tại chương II đánh giá phân loại cán bộ điều 11 tiêu chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có sáng kiến cụ thể được được áp dụng và được cấp thẩm quyền công nhận. Tuy nhiên, tại các Điều 12, 13 ở các tiêu chí hoàn thành tốt, hoàn thành nhiệm vụ không quy định cần có sáng kiến được áp dụng. Trong khi đó, tại Chương III đánh giá phân loại công chức và Chương IV đánh giá phân loại viên chức thì các tiêu chí phân loại CCVC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ đều phải có sáng kiến đề tài được áp dụng và được cấp thẩm quyền công nhận.
Lý giải về quy định trên, ông Long cho biết, khi làm chính sách, Bộ Nội vụ mong muốn CBCCVC phải có những sáng kiến đổi mới quy trình nghiệp vụ, khuyến khích CBCCVC thấy bất cập gì trong công việc của họ thì đề xuất để cải tiến. Song, quy định này khi triển khai trên thực tế còn nhiều bất cập, quy định thế nào là sáng kiến cũng chưa rõ ràng, việc phải có đề tài, đề án cũng chưa phù hợp với thực tế. Do đó, thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi theo hướng quy định phải có đề tài đề án, sáng kiến chỉ áp dụng với CBCCVC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS. TS. Ngô Thành Can (Phó trưởng khoa Tổ chức nhân sự Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, việc đánh giá công chức theo Nghị định 56 có vấn đề. “Thực sự chúng ta không phải ai cũng được phân đề tài và vị trí nào cũng có sáng đâu. Vì thấy nó ảnh hưởng đến phân loại CC VC nên mới có hiện tượng mà như nhiều người nói “trên có chính sách, dưới có đối sách”, làm theo kiểu hình thức” – ông Can cho hay. Bên cạnh đó, ông Can cũng nêu ý kiến còn nhiều tranh cãi về quan niệm thế nào là sáng kiến. “Chúng ta hi vọng sắp tới chỉnh sửa Nghị định 56 thì sẽ có quy định thực tế hơn” – ông nói.
Không có chuyện đã là CCVC thì không bị thôi việc
Trước ý kiến cho rằng quy định về phân loại, đánh giá CBCCVC có vẻ chặt chẽ nhưng thực tế cho thấy tình trạng CBCCVC nghiễm nhiên cho rằng đã là CCVC thì không bị cho thôi việc còn lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thì xuê xoa cho qua đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, trong khi đó, có người làm việc tốt nhưng vẫn đứng ngoài biên chế, ông Trương Hải Long khẳng định, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, cán bộ 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ cho thôi việc nên không thể đã là CCVC thì không thể cho thôi việc.
Dù vậy nhưng ông cũng thừa nhận ít có trường hợp CCVC cho thôi việc vì không hoàn hành nhiệm vụ. “Nguyên nhân là do nể nang, việc thực hiện đánh giá người đứng đầu chưa thực hiện hết chức trách nhiệm vụ, công tác tự phê bình của CBCCVC, không ai tự nhận mình chưa hoàn thành nhiệm vụ” – ông nói.
Ông này cũng cho biết, quy định nêu rất rõ nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ không được đề bạt lên vị trí cao hơn và bị kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng nên không thể xảy ra tình trạng CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ vẫn được đề bạt. “Tuy nhiên, vừa qua vẫn có trường hợp CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ trên các cương vị đã được bổ nhiệm thì việc này là do công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng CBCCVC của người đứng đầu cơ quan đơn vị đó, do công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để phát hiện ra những sai phạm, chưa có cơ chế kiểm soát đối với những người có quyền” – ông nói. Ông Long cho biết thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ để khắc phục những vấn đề này.
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức, Bộ Nội vụ cũng thừa nhận vẫn còn hiện tượng CBCCVC “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” trong bộ máy. Ông cũng khẳng định thời gian tới Chính phủ và các cơ quan nhà nước sẽ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCCVC.
Phân tích thêm về vấn đề này, PGS.TS Can cho rằng cách đánh giá, phân loại CBCCVC của chúng ta hiện nay nhiều khi tập trung vào thành tích cao. “Tôi nhớ cách đây mấy năm có 1 bộ trưởng báo cáo có 97,5% công chức hoàn thành nhiệm vụ. Tôi xem mà xấu hổ quá, nếu như đánh giá thì ngành đó thì đứng đầu cả nước chứ” – ông nêu sự việc và cho rằng việc này cho thấy trên thực tế việc đánh giá không thực chất. Vì thế, chúng ta phải tách bạch ra những người làm tốt, bình thường và làm kém.
Vẫn theo PGS. TS Can, “chúng ta đang có một nền công vụ thương nhau”. “Tại một số cơ quan, đơn vị một số người công việc không tốt, nhiều đơn vị xếp vào không hoàn thành nhưng hôm sau lại họp lại, bàn làm thế nào để người đó hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta cần có quy định không thể các cơ quan làm được điều trên” – ông nói.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá CBCCVC
Tại tọa đàm, ông Long bày tỏ làm thế nào để nâng cao hiệu quả, tính thực chất của việc đánh giá CBCCVC là câu hỏi mà Bộ Nội vụ trăn trở. “Về bản chất, việc đánh giá có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu cơ quan sử dụng nhân lực. Ai giao nhiệm vụ thì người đó đánh giá là chuẩn nhất. Có những tiêu chí như 70% hoàn thành nhiệm vụ nhưng nếu người đứng đầu còn nể nang, né tránh thì không thể nâng cao hiệu quả công tác đánh giá được. Do đó, muốn nâng cao hiệu quả của công tác đánh giá CBCCVC thì chúng tôi cho rằng phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và trong các cơ quan, đơn vị thì phải đánh cao vai trò lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy đảng trong việc chỉ đạo công tác đánh giá” – ông nói.
Cũng tại tọa đàm, ông Long cho biết thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ theo thủ tục rút gọn, đề nghị sửa một số bất cập trong Nghị định 56 đối với sửa 3 vấn đề, bao gồm quy định về sáng kiến, đề tài; quy định rõ việc đánh giá, phân loại phải thực hiện trước bình xét; đồng thời quy định rõ thẩm quyền, quy định cụ thể về đánh giá, trong đó ngoài việc giao các tiêu chí cụ thể cho bộ, ngành, địa phương thì còn tính đến kết quả, khối lượng của CBCCVC, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan sử dụng khi đánh giá thì tính trên khối lượng công việc của CBCCVC. “Về lâu dài, Ban tổ chức trung ương đang tham mưu trình Bộ Chính trị Bộ đề án về xây dựng một hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng như thẩm quyền của cấp sử dụng trong việc đánh giá CBCCVC” – ông cho biết.