Làm thế nào để Luật cấm rượu, bia khi lái xe đi vào cuộc sống?

(PLVN) - Sau 7 năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14/6/2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Với nhiều điểm mới, tiến bộ, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao có nhiều điểm để các quốc gia khác tham khảo. 
Đã uống rượu, bia là không lái xe
Đã uống rượu, bia là không lái xe

Thế nhưng với thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân, vì vậy để Luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng.

Phản ứng của người dân 

Những ngày qua, thông tin “Quy định cấm người sử dụng rượu, bia lái xe chuẩn bị có hiệu lực” đang là tâm điểm bàn luận của nhiều người. Từ cô nội trợ, chú lái xe đến anh nhân viên văn phòng mọi người ai nấy đều xôn xao. Người  ủng hộ thì cho rằng cấm là đúng, tai nạn hầu như là do bia, rượu, chất kích thích.. người thì lại cho rằng thế thì có nghiêm trọng hóa quá không? Vui vẻ 1- 2 cốc vẫn tỉnh táo có sao đâu, quan trọng là ý thức thôi..

Chị Nguyễn Hồng Vân (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi là phụ nữ thi thoảng, thậm chí cả năm mới ngồi uống với vài đứa bạn thân mà uống cũng ít nên việc cấm hay không tôi không quan tâm lắm. Theo quan điểm của tôi cấm là đúng, hằng ngày báo đài, tin tức chia sẻ không biết bao nhiêu là vụ tai nạn mà nguyên nhân từ rượu, bia. Nhất là dịp lễ, tết chỉ nghe thôi đã rợn người”.

Đồng quan điểm với chị Vân,  anh Nguyễn Văn Thắng, lái taxi  cho rằng: “Việc cấm rượu, bia khi lái là đúng đắn, uống vào có biết khi nào tỉnh, khi nào say đâu mà lái xe. Nhiều người cứ nghĩ mình uống tốt uống đến chừng mực nào đó sẽ nghỉ để lái xe về, thế nhưng chừng mực là thế nào có ai dám chắc mình không hưng phấn, lái ẩu, chạy nhanh hơn không?”. 

“Nói đi cũng phải nói lại, tình trạng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta rất lớn, quán xá nhiều, gặp anh em, đi công chuyện mà không làm vài ba chai thì cũng khó nghĩ. Vậy nên, theo tôi luật ra thì mình cứ áp dụng thôi, ví dụ say thì gửi xe lại quán gọi taxi hay xe ôm những người như chúng tôi sẽ đưa về. An toàn mà không lo mất tiền phạt”, anh Thắng cho biết thêm.

“Công việc của tôi cũng thường xuyên phải tiếp khách, ký hợp đồng cho công ty, thế nên việc ăn nhậu là không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ có quy định nồng độ, mình uống có điểm dừng vẫn tỉnh táo thì không sao. Đằng này cấm hẳn uống rượu, bia khi lái xe cũng căng thẳng quá. Có lẽ phải tìm hướng nào đó để về nhà sau khi uống rượu bia, chứ gọi xe ôm, taxi nhiều cũng tốn, mà chạy xe thì tiền lương không đủ tiền phạt thì khổ”, anh Nguyễn Ngọc, sinh nhân viên văn phòng trú tại Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Từ những chia sẻ trên có thể thấy, các cơ quan chức năng ngoài việc áp luật để thực hiện cần thông tin, giáo dục truyền thông để luật đi vào cuộc sống của nhân dân. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu, bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh, thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.

 

Khó khăn và giải pháp để luật đi vào cuộc sống

Mới đây, tại Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân, vì vậy để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng.

“Trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gặp rất nhiều khó khăn vì có tính xung đột lợi ích  giữa sức khỏe và kinh tế, nhưng cuối cùng vẫn bảo vệ lợi ích của người dân lên trên hết. Để Luật đi vào thực tế cuộc sống đạt hiệu quả cao cần hạn chế sự sẵn có của rượu, bia; kiểm soát quảng cáo rượu, bia và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia”- Bộ trưởng nói.

Thông tin về một số điểm mới của Luật, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam có nhiều điểm mới để các quốc gia khác tham khảo về cả quá trình vận động xây dựng Luật cũng như các nội dung trong Luật.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thể hiện tính toàn diện ở mọi khía cạnh về nguồn lực và các biện pháp tổng thể để giảm sự tiêu thụ sẵn có; giảm khả năng dễ tiếp cận để kiểm soát nguồn tiêu thụ rượu, bia và giảm tác hại của rượu, bia.

“Điểm tiến bộ của Luật là quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trong khi đó, ở một số quốc gia khác ở châu Âu, có nơi vẫn có quy định cho ngưỡng dao động 0,2 đến 0,5 mg/lít khí thở đối với người điều khiển phương tiện giao thông”, bà Trang nói.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn 

Cũng theo bà Trang, với một đất nước có số lượng xe máy nhiều tới 33 triệu chiếc như Việt Nam, việc quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở bằng 0 như Việt Nam là một quy định hết sức mạnh mẽ.

Về giảm tính sẵn có của rượu, bia, hiện nay, Luật đang đưa ra quy định một số điểm không được bán rượu, bia tại cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở vui chơi, giải trí, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội, nơi làm việc của các cơ quan, các địa điểm công cộng…

Song theo bà Trang, hiện nay Chính phủ đang đề xuất sẽ có thêm khoảng hai điểm nữa sẽ bị cấm bán rượu, bia là rạp chiếu phim và công viên. “Hiện đã có 123 nước, vùng lãnh thổ đã cấm bán rượu bia tại công viên và có hơn 100 nước cấm bán rượu, bia tại các rạp chiếu phim. Khi lấy ý kiến bộ, ngành về điểm này, chúng tôi đều nhận được sự nhất trí cao với đề xuất”, bà Trang cho hay.

Ngoài ra, Luật cũng có biện pháp kiểm soát giảm tiêu thụ rượu, bia như việc quy định trách nhiệm chủ phương tiện, chủ kinh doanh phương tiện vận tải trong việc kiểm soát các lái xe, phương tiện của mình không được uống rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông.

Trong thời gian qua một số trang mạng xã hội chia sẻ những clip phản ánh việc nhầm lẫn nồng độ cồn khi ăn một số loại hoa quả. Bà Trang cho rằng, người dân không cần lo ngại nhầm lẫn nồng độ cồn trong thực phẩm lên men. Trước thực tế việc sử dụng một số thực phẩm có đường dễ lên men hoặc các sản phẩm trái cây như nho, sầu riêng… dễ tạo hàm lượng cồn nhất định cho người sử dụng, nhưng nồng độ cồn tự nhiên thấp, không đáng kể.

Để thay đổi thói quen, sử dụng bia, rượu của người Việt thì có lẽ sẽ cần không ít thời gian, công sức, bởi thế bà Trang cho biết, trong quá trình thông tin, giáo dục truyền thông để Luật đi vào cuộc sống, Bộ Y tế cũng sẽ phổ biến những kiến thức khoa học để lực lượng chức năng sẽ có những xử lý hợp lý cũng như người dân nắm được thông tin.

Đọc thêm