Công tác kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) tuy là “hậu kiểm” nhưng luôn được đánh giá cao vì góp phần “thanh lọc” VB, giúp hệ thống VB đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, thông suốt. Và năm nào, công tác này cũng được “ghi danh” xứng đáng trong hoạt động của ngành Tư pháp.
Công tác kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) tuy là “hậu kiểm” nhưng luôn được đánh giá cao vì góp phần “thanh lọc” VB, giúp hệ thống VB đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, thông suốt. Và năm nào, công tác này cũng được “ghi danh” xứng đáng trong hoạt động của ngành Tư pháp.
“Cần mẫn sàng lọc” văn bản
Mỗi năm, các Bộ, ngành và địa phương ban hành một số lượng VB “khổng lồ” để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành, quản lý các hoạt động, các lĩnh vực và xã hội. Một phần trong số những VB đó đã bị các cán bộ làm công tác kiểm tra VB của ngành Tư pháp đưa vào danh sách “có dấu hiệu trái pháp luật, cần được xử lý”.
|
Công tác kiểm tra VBQPPL góp phần quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững |
Với hàng nghìn VB “qua tay” để kiểm định tính hợp hiến, hợp pháp, suốt năm 2010, lực lượng cán bộ làm công tác VB của ngành Tư pháp đã phải thực hiện khối lượng công việc cũng rất “qui mô” với một qui trình, thủ tục cụ thể, chặt chẽ, hướng mạnh vào những vấn đề bức xúc của xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết những văn bản vi phạm pháp luật, mang lại hiệu quả rõ rệt, được các cấp chính quyền và xã hội đánh giá cao.
Năm 2010, toàn Ngành đã tiến hành kiểm tra và phát hiện số văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật là 6.890/90.826 văn bản đã kiểm tra (7,6%), tỷ lệ cao nhất trong giai đoạn 2007 – 2010. Riêng Cục Kiểm tra VBQPPL đã phát hiện 410 VB có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm 19,24% số VB đã được kiểm tra.
So với các năm trước, số lượng văn bản tiếp nhận để kiểm tra qua các năm là tương đối đồng đều, nhưng tỷ lệ văn bản phát hiện sai qua các năm (năm 2007: 21%, năm 2008: 25%, năm 2009: 34%) tương đối cao, thì tỷ lệ này là một “tín hiệu vui” cho thấy, công tác xây dựng và ban hành văn bản của các Bộ, ngành, địa phương đã ngày càng có hiệu quả, chất lượng hơn. Đó cũng thể hiện kết quả tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ kiểm tra theo thẩm quyền của Cục Kiểm tra VBQPPL.
Chủ động xử lý
Căn cứ quy định tại Nghị định số 40/2001/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ (trước đây là nghị định 135/2003/NĐ-CP), đối với những văn bản sai căn cứ ban hành hoặc thể thức, kỹ thuật trình bày mà không ảnh hưởng đến nội dung của văn bản, Cục thường xuyên nhắc nhở, rút kinh nghiệm chung thông qua các buổi làm việc cũng như tại các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, các Sở Tư pháp địa phương.
Còn những văn bản sai nội dung hoặc sai thẩm quyền, Cục đã tổ chức trao đổi, thảo luận với các đơn vị, cơ quan có liên quan và có thông báo, yêu cầu cơ quan, người đã ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý theo quy định. Riêng năm 2010, Cục đã có 30 Thông báo đối với các văn bản do các Bộ, ngành và địa phương ban hành có dấu hiệu trái pháp luật.
Không chỉ gửi thông báo và “thụ động” chờ các chủ thể “nhận ra sai sót, tự sửa chữa”, Cục còn theo dõi để đốc thúc các chủ thể thời xem xét, xử lý đối với văn bản có nội dung chưa phù hợp với pháp luật đã được Cục thông báo và đã nhận được những phản hồi tích cực, đưa ra hướng khắc phục, xử lý đối với những nội dung trái pháp luật trong văn bản do mình ban hành. Trong đó, một số trường hợp phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo trình tự xây dựng, ban hành VB QPPL.
Một ví dụ điển hình là tháng 9/2010, Cục Kiểm tra VBQPPL đã phải ra thông báo để “cảnh báo” một số cơ quan (07 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 13 địa phương) chưa kịp thời xem xét, xử lý đối với văn bản có nội dung chưa phù hợp với pháp luật đã được Cục thông báo trước đó.
Động thái này cho thấy sự cương quyết của cơ quan “hậu kiểm” và cũng là “nhắc nhở” các chủ thể về trách nhiệm của mình đối với các VB mà họ đã ban hành. Nên ngay lập tức, hiệu lực của thông báo được thể hiện bằng phản hồi của 5 Bộ (06 VB) và 7 địa phương (09 VB) về việc đã xử lý các VB đó.
Vẫn cần một cơ chế phối hợp
Tuy có vai trò quan trọng như vậy, nhưng công tác kiểm tra VBQPPL còn hạn chế, chưa được các Bộ, ngành, địa phương coi trọng đúng mức. “Hậu quả” rõ nhất, các cơ quan ban hành những VB bị cán bộ làm công tác văn bản của ngành Tư pháp cho là “có vấn đề, có dấu hiệu trái pháp luật” thản nhiên “ngó lơ”, không có động thái “tự kiểm tra, xử lý” theo qui định của pháp luật.
Bước vào năm 2011, theo Cục Kiểm tra VBQPPL và đại diện nhiều Sở Tư pháp, nâng cao nhận thức, đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL; phát huy tốt hơn nữa vai trò của cấp ủy các cấp trong chỉ đạo thực hiện công tác này sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để phát huy hiệu quả của công tác kiểm tra VBQPPL.
Đồng thời, cần có một cơ chế phối hợp với các cơ quan trong việc chỉ đạo giải quyết các kết quả kiểm tra VBQPPL làm tiền đề để công tác này đạt kết quả tốt hơn.
Năm 2010, Cục KTVBQPPL tiếp nhận tổng số 4.109 VB, trong đó, 583 VB cấp Bộ, 3.526 VB địa phương; tham gia đoàn liên ngành thực hiện kiểm tra tại 03 địa phương. Trong số 410 VB bước đầu phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật, (chiếm 19,2% số VB đã được kiểm tra) của năm 2010 có 63 VB cấp Bộ (chiếm 15,4% số VB phát hiện sai trái) và 357 VB của địa phương (chiếm 84,6% số VB phát hiện sai trái) theo các nội dung quy định tại Điều 3 Nghị định 40/2010/NĐ-CP. |
Huy Anh