Làm vòng cổ gần 200 lượng vàng cho tượng Bà Chúa Xứ

(PLO) -  Đầu năm 2015, thông tin tượng Bà Chúa Xứ đeo chiếc vòng cổ gần 200 lượng vàng 9999 càng khiến du khách ùn ùn kéo về để được tận mắt chứng kiến.
Tượng Bà Chúa Xứ.
Tượng Bà Chúa Xứ.
Tiền cúng dường hàng trăm năm
Theo ông Huỳnh Minh Đường, Trưởng Ban quản trị lăng miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, ý tưởng đeo chiếc vòng “khủng” cho tượng Bà Chúa Xứ được các thành viên Ban quản trị nhen nhóm từ vài năm qua. 
Số vàng được dùng để làm nên chiếc vòng này đều là vàng chất lượng cao 9999, phần lớn của người dân đến công đức, được tích lũy hàng trăm năm. 
Cuối năm 2014, sau khi được UBND TP.Châu Đốc cho phép, những thành viên trong Ban quản trị bắt đầu quá trình tạo nên chiếc vòng cổ khổng lồ. Một đoàn công tác được cử vượt hơn 300 cây số đến TP.HCM, đến những tiệm vàng có tiếng nhất để tìm những người thợ tay nghề lão luyện. Biết được ý định của các thành viên Ban quản trị lăng miếu, các chủ tiệm kim hoàn đều hoan hỉ ủng hộ. 
Theo thống nhất của các chủ tiệm vàng và thành viên Ban quản trị, chiếc vòng sẽ có trọng lượng 162 lượng vàng. Trong đó, 150 lượng là vàng được người dân công đức hàng trăm năm qua. 12 lượng vàng còn lại là do các tiệm vàng ủng hộ thêm. 
Sau khi thống nhất mẫu mã của chiếc vòng cổ độc nhất vô nhị này, các thợ kim hoàn lành nghề bắt tay vào gia công. Ròng rã hơn 3 tháng, hơn 10 người thợ làm việc mệt mài, mỗi người mỗi công đoạn, chiếc vòng “khủng” cuối cùng đã hoàn thành.
Ông Đường tiết lộ: “Chiếc vòng này được thiết kế kiểu 3 vòng dính liền nhau. Xung quanh mỗi vòng được đính rất nhiều hột vàng khác nữa. Hột vàng chính đến 5 lượng vàng, rất lớn. “Bảo vật” này được mang về miếu trong niềm hân hoan của tất cả các thành viên”.
Ngày 9/12 Âm lịch năm 2014 được chọn là ngày đầu tiên đeo vòng lên tượng Bà. Người dân đến miếu không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng chiếc vòng lấp lánh. Để bảo vệ vòng vàng, Ban quản trị quyết định, mỗi tháng chỉ đeo vòng cho Bà Chúa Xứ bốn ngày, gồm 14, 15, 19, 30 âm lịch.
Ông Đường cũng tâm sự, các thành viên Ban quản trị rất vất vả để bảo vệ vòng. Những ngày đeo vòng cho Bà đều có các thành viên của đội bảo vệ túc trực quanh tượng bất kể ngày đêm. Ngoài ra còn có hệ thống camera theo dõi những khu vực xung quanh. 
Người dân, du khách đến miếu cũng bị cấm không được chụp hình, quay phim. Những ngày còn lại, chiếc vòng được cất giữ vào nơi an toàn. Thời điểm lấy vòng ra hay cất vào đều được lập biên bản bàn giao rõ ràng.
Từ ngày tượng Bà được đeo vòng vàng, lượng khách thập phương đến miếu bỗng tăng đột biến. Cụ thể, theo thống kê của Ban quản trị, sau dịp Tết Nguyên Đán 2015, cứ vào thứ bảy, chủ nhật, miếu Bà lại đón nhận từ 40 đến 60 ngàn lượt khách, vừa đến thắp hương vừa muốn tận mắt nhìn thấy chiếc vòng cổ khổng lồ.
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam.
 Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam.
Ngôi miếu nhiều kỷ lục
Ngoài chiếc vòng “khủng” trên, miếu Bà Chúa Xứ còn sở hữu nhiều kỷ lục khác. Theo người dân địa phương, cách đây 200 năm, tượng Bà (nay là Bà Chúa Xứ) được người dân phát hiện và mang từ đỉnh Núi Sam xuống và phải lựa chọn 12 cô gái đồng trinh để khiêng tượng. Sau đó, người dân mời “đồng cô” để Bà “nhập” vào và lập miếu thờ từ đó.
Ban đầu, miếu được cất đơn sơ bằng tre lá. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, năm 1972, miếu Bà được xây dựng lại, có kiến trúc cơ bản như ngày nay. Kiến trúc miếu có dạng chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen, mang đậm nét kiến trúc Ấn Độ, với những góc mái nhà là những vị thần lực lưỡng dang tay đỡ những kèo nhà. Mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói màu xanh. 
Năm 2009, ngôi miếu này được bình chọn là miếu lớn nhất Việt Nam. Cũng trong năm 2009, Ban quản trị miếu đã thống kê hơn 15 ngàn chiếc áo được thiết kế cầu kỳ do người dân cúng cho Bà Chúa Xứ. 
Những lễ vật này đều được cất giữ, trưng bày trong một căn phòng lớn để du khách tham quan. Lễ vía Bà Chúa Xứ Núi Sam từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm luôn thu hút hàng trăm ngàn người tham gia, trong đó ngày vía chính là ngày 25. Các lễ chính gồm: lễ tắm Bà, lễ thỉnh sắt, lễ túc yết, lễ xây chầu, lễ chánh tế, lễ hồi sắc.
Theo nhiều người dân nơi đây, người đến viếng miếu không chỉ là người buôn bán đến cầu xin Bà mau phát tài mà những người khác cũng đến cầu mong những điều tốt lành. Trong vài năm qua, từ khi lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được Nhà nước công nhận là lễ hội cấp quốc gia, hình thức và quy mô của lễ hội ngày càng được nâng cấp. 
Người dân chen chân về thăm viếng miếu Bà Chúa Xứ
 Người dân chen chân về thăm viếng miếu Bà Chúa Xứ
Một thành viên Ban quản trị miếu cho biết, hàng năm miếu Bà đón hơn bốn triệu lượt khách đến tham quan. Riêng việc thu phí hoạt động trong năm 2014 đã đạt 20 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với năm 2013. Số tiền người dân đến cúng viếng năm qua được 87 tỷ đồng và hàng chục lượng vàng được cúng dường.
Đa phần số tiền vàng cúng dường đều được Ban quản trị miếu thống kê và dùng vào mục đích trùng tu, tôn tạo miếu. Năm 2014, Ban quản trị miếu cũng chi 45 tỷ đồng để cùng địa phương nâng cấp con đường từ TP.Châu Đốc đến miếu Bà dài hơn 5km. Số tiền trên còn được dành xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc cho nhiều người già, đối tượng chính sách… Mọi hoạt động thu chi đều được công khai rõ ràng và có sự đồng ý của chính quyền địa phương. 
Trong cuộc họp báo chuẩn bị cho lễ vía Bà năm 2015, Ban quản trị miếu Bà Chúa Xứ cũng cho biết, sau khi tượng Phật Thích Ca dự kiến cao nhất thế giới được khởi công vào tháng 3/2015, rất nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã ngỏ lời muốn đóng góp vào công trình này. 
Ngoài ra, Ban quản trị miếu Bà cũng cho xây dựng nhiều hạng mục công trình văn hóa khác tại khu vực công viên Văn hóa Núi Sam với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Trong tương lai, miếu Bà Chúa Xứ sẽ còn phát triển, mở rộng lớn hơn nữa phục vụ cho nhu cầu tâm linh của người dân./.