Lấn biển - Hướng mở cho các đô thị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Lấn biển đã, đang trở thành một hướng mở tích cực cho các đô thị, khu vực ven biển, khẳng định một hướng phát triển cần thiết cho tương lai. Đây không chỉ là giải pháp mở rộng quỹ đất, phát triển kinh tế - xã hội mà còn là giải pháp chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu…
Lấn biển, tạo mặt bằng để phát triển khu đô thị, du lịch.
Lấn biển, tạo mặt bằng để phát triển khu đô thị, du lịch.

Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo xu thế chung, khu vực ven biển sẽ là tâm điểm cho sự phát triển trong tương lai với sự gia tăng dân số, mở rộng các ngành công nghiệp, du lịch và quá trình đô thị hóa. Là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lấn biển cũng được coi là một giải pháp thích ứng chủ động với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 80 khu lấn biển tại 19 tỉnh, thành ven biển. Nhiều dự án lấn biển quy mô lớn đã và đang được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành như: Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM, Kiên Giang... Bên cạnh những dự án được triển khai bài bản, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì một số dự án đã gây tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, gây xói lở bờ biển. Có dự án phải ngừng triển khai do chưa tính toán kỹ càng về kỹ thuật, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Thậm chí, có dự án phải xem xét lại do ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, có dự án đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương khi triển khai.

Tại nhiều địa phương diễn ra tình trạng san lấp, lấn biển tràn lan, phá vỡ cảnh quan, quy hoạch; nghiêm trọng hơn còn lợi dụng, biến tướng các dự án được phê duyệt để tiến hành lấn biển trái phép. Chẳng hạn, ngày 24/3/2021, UBND TP Nha Trang cùng các cơ quan chức năng đã thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất dự án do Công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư. Dự án nằm đối diện danh thắng Hòn Đỏ này có tổng diện tích 103.568m2 (trong đó có 44.152m2 mặt đất và 59.416m2 mặt nước) với tổng vốn đầu tư khoảng 33 triệu USD, được UBND tỉnh Khánh Hòa thỏa thuận địa điểm đầu tư từ năm 2011 và cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 9/3/2012.

Quá trình thi công, chủ đầu tư có hành vi san lấp đất đá lấn trái phép danh thắng vịnh Nha Trang 22.968m2. Ngày 5/1/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định xử phạt hành chính Công ty CP Nha Trang Sao 200 triệu đồng. Đặc biệt, khi lập phương án điều chỉnh, chủ đầu tư bị Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa phát hiện cóp nhặt báo cáo đánh giá tác động môi trường từ một dự án sân golf khác.

Cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng

Việc lấn biển đã trở thành một hướng mở tích cực cho các đô thị, khu vực ven biển, khẳng định một hướng phát triển cần thiết cho tương lai. Đây không chỉ là giải pháp để mở rộng quỹ đất, phát triển kinh tế - xã hội mà còn là giải pháp chủ động ứng phó với tình trạng xói lở bờ biển, nước biển dâng.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị thu được thì hoạt động lấn biển cũng có rất nhiều vấn đề phải quan tâm, giải quyết. Các công trình, hoạt động lấn biển có thể làm thay đổi điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan; ảnh hưởng, làm thay đổi chế độ thủy động lực của khu vực, làm thay đổi dòng chảy ven bờ, gây bồi lắng, sạt lở ở khu vực lân cận và gây xói lở bờ, làm mất an toàn cho chính các công trình; hoạt động lấn biển cũng có thể gây ra tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các nguồn lợi, tác động tới đời sống của người dân ven biển.

Tại các khu vực lấn biển, chất thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư và các chất thải khác của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, dịch vụ có khả năng gây ô nhiễm trên diện rộng, làm suy thoái môi trường và các hệ sinh thái biển ở các khu vực lân cận. Chưa kể đến nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ hoạt động lấn biển có thể dẫn tới tình trạng khai thác đất, cát bừa bãi, trái phép, ảnh hưởng, hủy hoại môi trường nơi khác như tình trạng “cát tặc” thời gian vừa qua.

Theo các chuyên gia, các dự án có hoạt động lấn biển gây những tác động, ảnh hưởng đến sinh kế, việc làm, chỗ ở của người dân khu vực lấn biển; phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục. Thực tế vừa qua cho thấy, có những dự án có hoạt động lấn biển mà chủ yếu là các dự án bất động sản đã “quây” mặt biển và đường ra biển như là “của riêng”, cản trở quyền tiếp cận của người dân với biển, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nơi đây, hạn chế tiềm năng du lịch biển.

Lấn biển là công việc phức tạp, các công trình lấn biển chịu sự tàn phá của gió, bão, nước biển dâng, chua mặn... nên đòi hỏi nhiều vấn đề kỹ thuật cần phải giải quyết. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, hoạt động lấn biển cần phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về điều kiện tự nhiên, địa hình; mức độ, tốc độ xói lở, bồi tụ bờ biển; quá trình, yếu tố động lực vùng bờ, dòng chảy; xu thế biến đổi bờ biển, địa hình đáy biển khu vực lấn biển; các vấn đề về tài nguyên và môi trường; các tác động đến bờ biển, đến dân sinh, kinh tế, môi trường; giải pháp phòng, chống xói lở, bồi tụ bờ biển quanh khu vực lấn biển… Đây là những yêu cầu không thể thiếu của mỗi dự án có hoạt động lấn biển.

Đọc thêm