Lấn biển tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội: Cần sớm có hành lang pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc quản lý hoạt động lấn biển, nhưng pháp luật hiện hành gần như chưa có các quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo BR news của Indonesia)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo BR news của Indonesia)

Đang xây dựng Nghị định về hoạt động lấn biển

Thời gian qua, một số bộ, ngành, địa phương phản ánh về các khó khăn, vướng mắc khi triển khai, thực hiện các dự án đầu tư (DAĐT) lấn biển, đặc biệt là các DAĐT có diện tích cả trong và ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm.

Đó là cùng một DAĐT, chủ dự án phải thực hiện 2 thủ tục hành chính (TTHC) khác nhau bởi 2 hệ thống pháp luật khác nhau (pháp luật đất đai và pháp luật biển, hải đảo) là thủ tục giao khu vực biển để lấn biển và thủ tục giao đất, cho thuê đất hình thành sau lấn biển để được sử dụng đất (SDĐ). Đồng thời, chủ dự án phải thực hiện nghĩa vụ: nộp tiền sử dụng biển để lấn biển và tiền SDĐ hình thành sau lấn biển…

Hiện pháp luật đất đai chưa quy định cụ thể về việc xác định tiền SDĐ đối với trường hợp vừa nộp tiền giao khu vực biển đồng thời nộp tiền SDĐ sau khi đã đầu tư lấn biển, nên rất khó khăn trong quá trình xác định nghĩa vụ tài chính đối với nhà đầu tư.

Xét về mặt tổng thể, điều này không làm lợi cho Nhà nước vì việc thu ngân sách từ tiền SDĐ sẽ chậm hơn từ 3 - 4 năm cho một DAĐT mà tiền SDĐ trên cùng một diện tích cao hơn rất nhiều lần so với tiền giao khu vực biển (tiền giao khu vực biển để lấn biển từ 6 - 7,5 triệu đồng/ha, trong khi theo khảo sát, tiền SDĐ thấp nhất khoảng 5 triệu đồng/m2 đối với đất ở,và đất thương mại dịch vụ);

Bên cạnh đó, khi tiến hành cả 2 thủ tục sẽ làm tăng chi phí tuân thủ, kéo dài thời gian chuẩn bị, thực hiện dự án, gây khó khăn cho nhà đầu tư và chậm đưa nguồn lực đất đai vào sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội.

Để tạo hành lang pháp lý và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động lấn biển, tại Nghị quyết 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định hoạt động lấn biển trong năm 2021. Hiện, Bộ TN&MT đang khẩn trương xây dựng và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong quý IV/2021.

Trong thời gian chưa ban hành Nghị định, Bộ TN&MT đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với các DAĐT lấn biển đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và không phải thực hiện thủ tục về giao khu vực biển. Việc thí điểm này là tiền đề cho việc ban hành Nghị định quy định hoạt động lấn biển sau này.

Bộ, tỉnh cấp phép như thế nào?

Hiện việc giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm trở vào đất liền được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai; trường hợp DAĐT sử dụng mặt nước biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm trở ra phía biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao các khu vực biển. Theo đó, tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để lấn biển thực hiện DAĐT được tiếp tục sử dụng diện tích đất hình thành sau khi lấn biển theo quy định của pháp luật về đất đai.

Pháp luật đất đai chỉ quy định nguyên tắc chung về việc khuyến khích hoạt động khai hoang, lấn biển. Pháp luật về đầu tư chỉ quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy Chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, trong đó có quy định liên quan đến thẩm quyền đối với một số dự án lấn biển có quy mô lớn.

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chỉ quy định việc khai hoang, lấn biển trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; Tuy nhiên, cơ bản hoạt động lấn biển lại không thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển (vì nằm ngoài đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm).

Pháp luật bảo vệ môi trường tuy quy định một số dự án lấn biển có quy mô lớn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, nhưng không yêu cầu cụ thể đối với các dự án có hoạt động lấn biển….

Về quy định cấp phép lấn biển, Bộ TN&MT cho biết, hiện đang có 2 phương án xin ý kiến: Có cấp phép lấn biển; Và không cấp phép lấn biển.

Với phương án 1, Bộ đề xuất quy định: Bộ trưởng Bộ TN&MT cấp giấy phép lấn biển trong các trường hợp: DAĐT lấn biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; DAĐT lấn biển có phạm vi ranh giới lấn biển thuộc hai hay nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; DAĐT lấn biển có diện tích lấn biển từ 20 ha trở lên, hoặc có chiều dài đường ranh giới lấn biển từ 1.000 m trở lên. UBND cấp tỉnh cấp giấy phép lấn biển không thuộc trường hợp quy định trên.

Ngoài ra, Bộ TN&MT đề xuất về cải cách TTHC (chỉ thực hiện 1 TTHC thay vì 2 TTHC như hiện nay) và giúp đẩy nhanh quá trình chuẩn bị và thực hiện các dự án lấn biển, mang nguồn thu ngân sách tốt hơn.

Đọc thêm