Lần đầu tiên tổ chức lễ hội hoa Sơn Tra

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi Sơn Tra nở trắng núi rừng Tây Bắc cũng là lúc người dân bản xứ tất bật chào đón khách du lịch đến cảm nhận hương vị mùa xuân bên sắc hoa tinh khôi cùng nét văn hóa đặc trưng của người Mông.
Tháng 3 về hoa Sơn Tra nở trắng núi rừng Tây Bắc. Ảnh: A Dùa
Tháng 3 về hoa Sơn Tra nở trắng núi rừng Tây Bắc. Ảnh: A Dùa

Ngày hội hoa Sơn Tra và quảng bá văn hóa, du lịch năm 2023 được huyện Mường La - Sơn La phối hợp cùng huyện Mù Cang Chải - Yên Bái tổ chức trong 2 ngày 18 – 19/3 với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Chương trình khai mạc diễn ra vào lúc 9 giờ sáng 18/3 tại xã Ngọc Chiến – Mường La – Sơn La. Chương trình biểu diễn nghệ thuật hội hoa Sơn Tra được tổ chức tại Thị trấn Mù Cang Chải – Yên Bái vào lúc 19 giờ tối cùng ngày.

Sơn Tra hay được gọi là cây Táo Mèo gắn chặt với cuộc sống và văn hóa của người Mông. Ảnh: A Dùa

Sơn Tra hay được gọi là cây Táo Mèo gắn chặt với cuộc sống và văn hóa của người Mông. Ảnh: A Dùa

Trao đổi với PV, bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, cho biết đây là lần đầu tiên 2 huyện thuộc 2 tỉnh phối hợp tổ chức ngày hội hoa Sơn Tra. Chương trình được tổ chức nhằm quảng bá nét đẹp của mùa hoa Sơn Tra tạo thêm sản phẩm du lịch, đồng thời tăng cường kết nối du lịch giữa các địa phương để thu hút du khách. Bên cạnh đó, ngày hội còn là dịp giới thiệu các sản phẩm từ Sơn Tra để du khách trải nghiệm và tạo ra cơ hội cho bà con vùng cao phát triển kinh tế.

Ngoài chương trình khai mạc, biểu diễn nghệ thuật, ngày hội còn đan xen chuỗi hoạt động hấp dẫn như thi giã và làm bánh dày, thi cây sơn tra và hoa sơn tra đẹp, thi các trò chơi dân gian, triển lãm ảnh đẹp, trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc biệt là các chuyến du lịch trải nghiệm như leo núi, săn mây, ngủ lán trại, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống, nét văn hóa của người Mông.

Sơn Tra thường được gọi là cây Táo Mèo sinh trưởng trên những vùng núi cao Tây Bắc. Hoa Sơn Tra màu trắng, nhụy vàng thường nở vào tháng 3 hàng năm. Sơn Tra không chỉ là đặc sản của vùng Tây Bắc mà còn là tấm thảm xuân thuần khiết níu chân du khách bằng sự hồn hậu và kiên cường.

Hoa Sơn Tra phủ lên núi rừng Tây Bắc tấm thảm xuân thuần khiết, dịu dàng. Ảnh: A Dùa

Hoa Sơn Tra phủ lên núi rừng Tây Bắc tấm thảm xuân thuần khiết, dịu dàng. Ảnh: A Dùa

Sơn Tra phân bố ở nhiều nơi nhưng tập trung nhiều nhất tại xã Ngọc Chiến (Mường La – Sơn La) với khoảng 1.600 ha, trong đó có trên 800 ha là những cây Sơn Tra cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm. Trong khi đó, tại Yên Bái huyện Mù Cang Chải được xem là thủ phủ của Sơn Tra với chừng 6.000ha cây được trồng và mọc tự nhiên tạo thành những cánh rừng Sơn Tra kéo dài.

Ông Vũ Đức Thuận, Bí thư huyện ủy Mường La – Sơn La, cho hay đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Ngày hội hoa Sơn Tra năm 2023 đang được huyện Mường La tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm, sẵn sàng cho ngày hội diễn ra.

Đọc thêm