Ngày hội chung của những hoà giải viên
4h sáng ngày 13/9, chị Lục Hải Yến, Nông Thị Thảo, Lãnh Thị Lan - các hoà giải viên giỏi của đội tỉnh Cao Bằng - đã thức giấc. Khác với mọi ngày, các chị không lên nương rẫy mà chuẩn bị đồ đạc để ra xe ô tô, di chuyển tới Hải Phòng, nơi đăng cai tổ chức vòng loại khu vực miền Bắc – Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV. Trong túi hành lý, các chị đều mang theo bộ trang phục truyền thống của người Dao, thứ “tài sản” quý giá được các chị dành 3-5 năm để thêu tay.
Chị Lan kể rằng bộ trang phục đó sẽ đi theo các chị suốt cuộc đời và chỉ được dùng trong những dịp thực sự đặc biệt bởi sự cầu kỳ đến từng đường kim mũi chỉ và hoa văn đẹp mắt. Đứng trên sân khấu của hội thi Hoà giải viên giỏi, các bộ trang phục với gam màu đen, đỏ này không chỉ gây ấn tượng bởi các hoạ tiết bằng bạc, các chuỗi bông đỏ được gắn trên áo mà còn thể hiện sự khéo léo và nâng niu các giá trị truyền thống của người phụ nữ dân tộc Dao.
Xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, quê hương của các chị cũng là nơi có khu di tích quốc gia đặc biệt Trần Hưng Đạo, nơi đã thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đầu tiên. Do đó, người dân nơi đây rất trọng tình, trọng nghĩa. “Chúng tôi khá “ưng cái bụng” với công việc hoà giải thường ngày, dù không được tính công cán nhưng những cái lợi mà công việc này mang lại là khiến hàng xóm, láng giềng yên ấm, không phải đưa nhau ra toà nếu có tranh chấp và đặc biệt khiến quê hương Tam Kim yên bình trở thành nơi đáng sống”, chị Yến chia sẻ.
Trang phục của các hoà giải viên Cao Bằng tại hội thi. |
Tiểu phẩm “Trúc mọc đến đâu, đất đến đó” mang đến hội thi là sự việc có thật ở địa phương kể về một vụ tranh chấp đất đai của hai chủ rừng trúc kéo dài 8 năm. Trong khoảng thời gian là 8 năm đó, các hoà giải viên đã nhẫn nại, kiên trì thuyết phục hai chủ đất và đã hoà giải thành trong sự vui mừng của cả bản làng, thậm chí cả ngành Tư pháp tỉnh Cao Bằng.
Khác với các hoà giải viên tỉnh Cao Bằng, trường hợp chị Nguyễn Thị Thu Hương và chị Phạm Thị Hằng (Hòa giải viên huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) lại mang giọng hát đầy nội lực, ấm áp đến với sân khấu của cuộc thi. Khán giả cũng như ban giám khảo dễ dàng nhận ra “chất” miền Trung trong lời ca, tiếng hát cũng như giọng nói của các hoà giải viên.
Ở độ tuổi xưa nay “hiếm”, ông Phạm Ngọc Toản (76 tuổi, tỉnh Sơn La) là hoà giải viên cao tuổi nhất hội thi. Ông Toản là cán bộ y tế về hưu. Từ năm 2007, ông bắt tay vào công tác hoà giải ở địa phương. Với lối sống gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động Mặt trận, cựu chiến binh và cấp uỷ cơ sở, ông Toản được bà con tín nhiệm cao. Bà con sống ở Bản Lầu, phường Chiềng Lề (TP Sơn La, tỉnh Sơn La) hễ có việc lớn, việc bé từ mâu thuẫn vợ chồng đến tranh chấp đất đai đều chia sẻ, tâm sự và hỏi quan điểm của ông Toản để xử lý.
Thí sinh lớn tuổi nhất hội thi (thứ hai từ trái sang) 76 tuổi. |
“Trong gia đình, con cái tôi đều làm trong Nhà nước, liên quan đến ngành pháp luật nên cả nhà đều đồng tình ủng hộ tôi tham gia công tác hoà giải. Thực ra, cũng có đôi lúc, tôi cảm thấy mệt vì phải dành nhiều thời gian đi vận động, khuyên ngăn bà con nhưng tựu chung lại, tôi hạnh phúc với lựa chọn thành hoà giải viên khi về hưu bởi công tác này khiến tôi minh mẫn hơn do thường xuyên xem lại sách báo liên quan đến pháp luật đồng thời cũng khiến cuộc sống thú vị hơn. Còn sức khoẻ thì tôi vẫn đồng hành cùng công tác hoà giải ở cơ sở”, ông Toản bộc bạch.
26 tỉnh, thành khác nhau, mỗi đội thi mang phong cách, tố chất khác nhau nhưng nhìn chung, hầu hết các hoà giải viên đều là những con người giản dị, chất phác, có người là nông dân, có người là cán bộ hưu trí, có người là lãnh đạo cấp thôn, xã, phường. Khi tham dự vòng loại miền Bắc, họ có chung một sân chơi, chung một ngày hội để thể hiện tài năng, sự hiểu biết về kiến thức pháp luật và kỹ năng hoà giải. Không chỉ vậy, các hoà giải viên còn có cơ hội để tham quan những di tích lịch sử, điểm du lịch nổi tiếng của TP Hoa Phượng đỏ.
Giám khảo công tâm, khách quan
Đánh giá về chất lượng vòng loại miền Bắc, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên khẳng định Ban giám khảo rất khách quan, công tâm, dân chủ, cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình lựa chọn đội thi vào vòng chung kết. Một điểm mới của hội thi năm nay là lần đầu tiên Hội thi đã ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ phần thi thông qua sử dụng thiết bị điện tử để lựa chọn phương án trả lời đúng trong phần thi trắc nghiệm. Một số đội thi đã lồng ghép nội dung pháp luật, truyền thông về công tác hoà giải qua loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù của địa phương như: thơ, ca, bài hát. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Nguyên cũng cho rằng một số đội thi thực hiện quá thời gian quy định. Vẫn còn lỗi kỹ thuật nhỏ còn trục trặc vào sáng 14/9.
Với 6 tỉnh, thành gồm: Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Phòng bước vào vòng trong, chắc sân khấu của hội thi chung kết hứa hẹn sẽ còn “bùng nổ” hơn nữa.
Niềm vui chiến thắng. |
Chia sẻ về bí quyết chiến thắng, bà Thiều Thị Chiên, Phó Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp Hà Tĩnh) cho biết: Đội dự thi của chúng tôi chỉ có 20 ngày để thành lập và tập luyện để thi đấu theo đúng lịch của Ban tổ chức. Do đó, tất cả các thành viên tham dự - cán bộ phụ nữ xã và phó Bí thư đoàn xã - đều hăng say tập luyện cả ngày cả đêm, thậm chí tập xuyên 4 ngày nghỉ lễ dịp 2/9 vừa qua. Điểm cộng của đội Hà Tĩnh là quy trình xây dựng và duyệt kịch bản rất kỹ càng. Sau khi dựng nội dung và tập luyện, kịch bản được chỉnh sửa 02 lần theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện và Ban thường vụ huyện uỷ Kỳ Anh. Vòng cuối cùng, Sở Tư pháp “chốt” kịch bản sau khi đã kiểm tra từng câu, từng chữ. Trong khi đó, tinh thần của đội thi khá tốt khi được cả lãnh đạo huyện và lãnh đạo Sở Tư pháp đưa đi dự thi.
Hạnh phúc vỡ oà. |
Những thông điệp ý nghĩa
Chia sẻ về sự lan toả của cuộc thi, bà Lưu Thị Thu Huyền, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp TP Hải Phòng nhận định: Thông qua các hội thi, những nội dung pháp luật được truyền tải đến người dân, khán giả một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tránh được sự cứng nhắc, khô khan. Từ đó, pháp luật có điều kiện lan tỏa, phát huy rộng rãi trong cuộc sống người dân. Bằng ngôn ngữ thân thiện, các phần thi đem lại những cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp về con người và tình người trong việc hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ thực tế cuộc sống hàng ngày.
Các giải thưởng phụ tại Hội thi. |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh có chung quan điểm: Những ý nghĩa của công tác hoà giải mang lại chính là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước góp phần giữ vững kỷ cương xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
“Đã là cuộc thi, phải có đội đạt giải cao, có đội chưa đạt giải như mong muốn, nhưng tất cả chúng ta đều thấy rằng mình người chiến thắng, chiến thắng trong niềm đam mê, chiến thắng trong sự quyết tâm, chiến thắng của tình đoàn kết, tình hữu nghị”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh trao giải cho đội Hà Tĩnh, đạt giải Nhất vòng loại miền Bắc |
Rất nhiều tỉnh, thành có sự tham gia đoàn của Giám đốc, Phó giám đốc Sở Tư pháp cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành; thậm chí còn cử hàng loạt cán bộ hoà giải cơ sở đi cổ vũ cho đội thi, thông qua đó học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hoà giải. Sự lan toả đó mới chính là thành công lớn nhất của hội thi khi nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ hòa giải viên – những người vẫn được ví như là “thẩm phán cơ sở”, là người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Phó Chủ tịch UBND Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trao giải Nhì cho đội Vĩnh Phúc, TP Hà Nội. |
Theo thống kê, toàn bộ nội dung hội thi được livestream trên Trang Fanpage Phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa chỉ facebook.com/VuPhobiengiaoducphapluat với hàng nghìn lượt theo dõi, bình luận. Từ đây, các thông điệp “Vì một xã hội phồn vinh”, “Hoà giải cơ sở - Nhịp cầu nối những niềm vui”, “Hoà giải vì tình yêu quê hương” lại càng có chỗ đứng và ý nghĩa với người dân và xã hội.