Lan tỏa văn hóa phòng, chống lãng phí

(PLVN) -  Suốt mấy ngàn năm lịch sử, một trong những yếu tố quan trọng để người Việt, nước Việt luôn chiến thắng ngoại xâm, vượt qua mọi cơn thiên tai dịch bệnh, ngày càng phát triển… là tố chất tiết kiệm truyền đời trong mỗi người. Không hà tiện, lại càng không hoang phí; tiết kiệm là sự hài hòa phù hợp, đáp ứng vừa đủ nhu cầu, mang lại hiệu quả cao nhất trong mọi việc.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Đangcongsan.vn)
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Đangcongsan.vn)

Thế nhưng có một thực tế, là khi kinh tế đất nước ngày càng phát triển, thì một số người lại mang những quan niệm lệch lạc, quên đi phẩm chất tốt đẹp tiết kiệm, mà tôn sùng - lệ thuộc - lãng phí của cải vật chất; lãng phí thời gian; gây hại cho bản thân, xã hội, môi trường…

Biểu hiện của lãng phí, chúng ta có thể gặp hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống. Đó có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, như cố tình “vẽ” ra những dự án không có hiệu quả, không phục vụ Nhân dân, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Đó có thể là hành vi vi phạm kỷ luật, như lãng phí thời gian làm việc vào những chuyện vô bổ, có hại như “buôn chuyện” trên mạng xã hội, coi hài nhảm trên internet. Đó có thể là hành vi gây hại cho môi trường và cho chính bản thân mình như tham lam vô độ trong ăn uống tiêu dùng, mua sắm ê hề rồi không sử dụng mà để hư hỏng vứt bỏ…

Ở góc độ một cá nhân, lãng phí có thể gây hại không quá nhiều. Nhưng với một cán bộ có quyền hành trong tay, hậu quả của những hành vi lãng phí nặng nề có thể sẽ rất lớn. Còn nếu lãng phí trở thành một “giá trị” lệch lạc chứng tỏ độ “chịu chơi” của một số người, thì hậu quả sẽ khôn lường, gây hại cho cộng đồng, xã hội, đất nước. Đã đến lúc những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn như trên phải dừng lại. Chính vì vậy, việc mới đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết “Chống lãng phí”, đưa ra giải pháp giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi lãng phí; là vô cùng cần thiết.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhìn nhận lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu - nghèo; gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới “rất khẩn trương, cấp bách”.

Thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua sôi nổi, từ đó hình thành thói quen tiết kiệm trong mỗi người. Xử lý nghiêm cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước. Xây dựng văn hoá phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày”.

Phòng, chống lãng phí không chỉ có lợi cho thiên nhiên, đất nước, xã hội; mà còn có lợi cho mỗi đơn vị, doanh nghiệp, gia đình và chính bản thân mình. Vì vậy, nhất định văn hóa phòng, chống lãng phí sẽ ngày càng được nhận thức, ý thức, đề cao, có sức mạnh lan tỏa; góp phần không chỉ gia tăng nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước; mà còn tạo nếp sống văn minh, hài hòa với thiên nhiên.

Đọc thêm