Lang Biang- Khu bảo tồn sinh quyển tuyệt vời của thế giới

(PLO) - Sau khi Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO họp ở Paris công nhận Lang Biang là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, tháng 6/2015 chúng tôi quyết định trở lại thăm vùng núi rừng hùng vĩ và kỳ thú bậc nhất khu vực Tây Nguyên này…
Dưới chân núi Lang Biang
Dưới chân núi Lang Biang
Một vùng non nước hữu tình
Với diện tích 275.439ha, Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang bao gồm vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với lõi là Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông (Lâm Đồng), cách thành phố Đà Lạt chừng 50km. 
Đây là 1 trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, giá trị của nó mang tính toàn cầu. Các nhà khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 154 loài có tên trong Danh Lục Đỏ IUCN. 
Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) xác định đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (Khu vực SA3) trong Chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn của Việt Nam.
Vượt hàng chục cây số, chiếc xe U oát chở chúng tôi vào Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup- Núi Bà. Một khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp, hoang dã với những tán rừng cây, tầng tầng, lớp lớp, ẩn trong sương khói; tiếng chim hót líu lo quyện thành vòng, thành chuổi hòa với tiếng gió ngàn réo rắc, tiếng thác đổ, khiến chúng tôi tưởng như mình đang lạc vào thế giới bồng lai, tiên cảnh. 
Khu sinh quyển Lang Biang
Khu sinh quyển Lang Biang
VGQ Bidoup Núi Bà được thành lập theo Quyết định số 1240/QĐ-TTg ngày 19/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ với  diện tích 64.800 ha; trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt:  28.731 ha; phân khu phục hồi sinh thái: 36.059 ha; phân khu dịch vụ, hành chính: 10 ha. 
Vườn được giao nhiệm vụ bảo tồn các hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu á nhiệt đới, núi cao và và các loài động thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm gắn kết với các VQG và khu bảo tồn thiên nhiên kế cận, để tạo thành một vùng thiên nhiên rộng lớn, góp phần cho việc bảo tồn sinh học ở cao nguyên Đà Lạt, vùng Nam Tây nguyên và vùng Nam Trung bộ; phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Đồng Nai và các hồ chứa nước ở hạ lưu nhằm phục vụ các hoạt động kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng, vùng Nam Tây nguyên, Đông Nam bộ và duyên hải cực Nam Trung bộ; bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến trúc đô thị của thành phố Đà Lạt, bảo tồn các đặc trưng văn hoá bản địa nơi cội nguồn của thành phố Đà Lạt, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới, phát triển du lịch sinh thái và góp phần củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây nguyên.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 9 chương trình hoạt động của VQG Bidoup- Núi Bà gồm: Chương trình bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; Chương trình phục hồi sinh thái rừng; Chương trình phòng cháy chữa cháy rừng; Chương trình nghiên cứu khoa học; Chương trình phát triển du lịch sinh thái; Chương trình tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn vùng đệm; Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật; Chương trình hợp tác quốc tế. Hiện nay Vườn có 66 cán bộ công nhân viên, trong đó có 41 kiểm lâm viên.
Du khách đến với VQG Bidoup Núi Bà
Du khách đến với VQG Bidoup Núi Bà
Tâm sự của người 
trong cuộc
Trò chuyện với chúng tôi, Giám đốc VQG Bidoup – Núi Bà vui vẻ cho biết: Đây là một trong 28 VQG nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Nơi đây được các nhà khoa học đánh giá là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới. Hiện nay Vườn có chủ yếu là rừng nguyên sinh với 1.468 loài thực vật khác nhau có mặt ở đây; trong đó có 62 loài thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam năm 2000. 
Về động vật thì có 52 loài (chiếm 25% tổng số loài trong khu vực) được ghi trong danh mục các loài động vật quý hiếm như: Cu li nhỏ, voọc vá chân đen, vượn đen má hung, gấu chó, gấu ngựa, báo lửa, voi, sói lửa, bò tót, trâu rừng, sơn dương, hổ… cần được bảo vệ  nghiêm ngặt theo Nghị định số 48/2000/NĐ-CP của Chính phủ và Quy ước của Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên Quốc tế (IUCN). VQG Bidoup- Núi Bà còn là “vương quốc” của các loài lan rừng với trên 250 loài phong lan quý hiếm đang hiện hữu.
Mẹ con vượn trong VQG Bidoup Núi Bà
Mẹ con vượn trong VQG Bidoup Núi Bà
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng- Phạm S kể: Tại kỳ họp lần thứ 27 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO được tổ chức ở Paris (Cộng hòa Pháp) để xem xét, công nhận các Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) diễn ra từ ngày 8/6 đến 12/6/2015 có 250 đại biểu đến từ 120 nước, gồm 24 nước thành viên, các nước quan sát viên (trong đó có Việt Nam) và các tổ chức quốc tế. 
Tổng số hồ sơ đề cử để xét KDTSQ năm 2015 là 25 bộ. Kết thúc phần giới thiệu hồ sơ KDTSQ Lang Biang, chủ trì Hội nghị hỏi toàn thể các đại biểu tham dự ai có ý kiến phản đối, tất cả đều không có ý kiến nào. Ngài Chủ tịch Sergio Guevara đã gõ búa công nhận KDTSQTG Lang Biang, tỉnh Lâm Đồng của Việt Nam. Lúc này là 16 giờ 15 phút giờ Paris, tức 21 giờ 15 phút giờ Hà Nội, ngày 9/6. Tiếng búa gõ vừa dứt, đoàn Việt Nam đã vỗ tay vui mừng hô vang: Lang Biang! Lang Biang!..và căng quốc kỳ Việt Nam giữa không gian trang trọng, thiêng liêng của Hội nghị. 
Đại diện đoàn Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng- TS Phạm S đã phát biểu ý kiến cảm ơn, đồng thời đưa ra kế hoạch cơ bản thể hiện cam kết phát triển bền vững của địa phương, theo phương châm “Bảo tồn cho phát triển, phát triển để bảo tồn”. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vấn đề mà địa phương quan tâm nhất hiện nay là cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh KDTSQTG Lang Biang nhằm hướng đến những hoạt động tích cực và khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch, dịch vụ. Chính quyền địa phương sẽ sớm cho thành lập Ban quản lý KDTSQ với sự tham gia của các bên liên quan và hoạt động theo hướng dẫn của Ủy ban Con người và Sinh quyển Việt Nam. 
Đồng thời, sẽ xây dựng kế hoạch quản lý, điều hành theo hướng tiếp cận đa ngành. Tiếp nữa là thiết lập và duy trì diễn đàn quản lý nhằm quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến bảo tồn và phát triển KDTSQ. 
Năm 2015, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Nhật Bản đã được chấp thuận, giúp UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc thiết lập cơ chế quản lý KDTSQ. Nhân dịp Festval hoa vào cuối năm nay, tỉnh sẽ tổ chức lễ công bố và hội thảo khoa học quốc tế về KDTSQTG Lang Biang.
Thiết nghĩ,với những nỗ lực vượt bậc của chính quyền và nhân dân Lâm Đồng trong việc  giữ gìn núi rừng Lang Biang thời gian qua và hiện nay, cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, KDTSQTG Lang Biang chắc chắn sẽ được bảo tồn và phát triển, nhằm giữ mãi màu xanh cho Tây Nguyên và nguồn gen quý hiếm cho thế giới.