Báu vật vô giá của người Tân Trào

(PLO) - Tân Trào -  khu di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ... Đây cũng là nơi ghi dấu những sự kiện trọng đại của đất nước trong thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược...
Đình Tân Trào khang trang
Đình Tân Trào khang trang
Tân Trào – Những bứt phá thắng lợi sau 70 năm
Để kỷ niệm 70 năm thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, nhiều hạng mục đã sửa chữa lại như: lợp lại toàn bộ mái nhà ở và làm việc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; sửa lại phên vách nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh; đổ đất hai bên đường lên lán và đường nội bộ khu vực lán Nà Nưa. Đặc biệt, một số địa điểm dễ xảy ra cháy rừng vào mùa hanh khô như cụm di tích Nà Nưa được Ban Quản lý lưu ý thu dọn vệ sinh rất cẩn thận.  
Quả thật, về lán Nà Nưa hôm nay, cảnh quan đường vào đã được tôn tạo đẹp đẽ. Được nghe hướng dẫn viên kể lại lịch sử di tích quan trọng này, chúng tôi như được sống lại những ngày hoạt động Cách mạng khó khăn thuở ấy: Những ngày đầu về Tân Trào, Bác vào làng Kim Long (Tân Lập ngày nay). Người ở và làm việc tại gia đình ông Nguyễn Tiến Sự. Ít ngày sau, Bác chuyển vào lán Nà Nưa để bảo đảm bí mật và tiện làm việc. 
Hơn 70 năm rồi, căn lán nhỏ vẫn vẹn nguyên vẻ giản dị, đơn sơ. Khu di tích được bảo tồn nguyên vẹn, hiện hữu nơi đây như thể thời gian ngừng lại, tưởng chừng như Bác vẫn còn làm việc ở đó. Du khách đến đây đều được nghe câu chuyện về nếp sống giản dị, khiêm tốn của ông Ké Cách mạng; về những ngày Người ốm nặng với những cơn sốt cao, nhiều lúc mệt lả, mê man, nhưng khi tỉnh dậy, Người nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. 
Cây đa Tân Trào
Cây đa Tân Trào 
Theo chân đoàn du khách tham quan, chúng tôi tiếp tục đến thăm đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, khu ATK... Đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy các địa điểm lịch sử quan trọng này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn,  dù cuộc sống của người dân Sơn Dương đã “thay da đổi thịt”. Hai mươi năm trở về trước, đời sống đồng bào ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ đói nghèo thường chiếm tới trên 70% số hộ trong xã. Bằng sự nhạy bén trong sản xuất, Tân Trào đã bứt lên rũ bỏ những trì trệ, bảo thủ, lạc hậu, vươn tới nắm bắt, chiếm lĩnh những kiến thức khoa học, kỹ thuật. 
Ngoài lợi thế về khai thác du lịch, xã Tân Trào đã nhanh chóng chuyển đổi thành công giống cây trồng, vật nuôi, tạo nền kinh tế vững mạnh, ổn định cho bà con. Giờ đây, Tân Trào có thể tự hào vì sản xuất nông nghiệp, trồng cây lâm nghiệp, công nghiệp chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thả cá thành công. 
Làng Tân Lập, trung tâm khu di tích lịch sử Cách mạng Tân Trào được tôn tạo đẹp đẽ, khang trang hơn cả. Ông Ma Văn Tuấn, trưởng thôn Tân Lập, xã Tân Trào tự hào cho biết: “Tân Lập có 182 hộ, nhưng chỉ còn 7 hộ nghèo hiện nay. Mặc dù những năm 90, cuộc sống của người dân khá vất vả, nhưng sự thay đổi cơ sở vật chất như đường, điện đã đem lại bộ mặt mới cho thôn. Nằm trong Khu di tích Cách mạng, Tân Lập có lợi thế để phát triển kinh tế nhờ du lịch, lại được Đảng và Nhà nước quan tâm nên đời sống của bà con ngày một khá hơn. Nhất là từ tháng 11/ 2014, khi xã được công nhận nông thôn mới, cuộc sống của người dân như chính thức sang trang. Trong đó phải nhấn mạnh đến chính sách hỗ trợ cho việc làm nhà sàn của bà con trong thôn. 6 hộ được hỗ trợ 200 triệu, 5 hộ hỗ trợ 100 triệu, khiến bộ mặt của thôn văn minh, đẹp đẽ hơn”. 
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, một số hộ trong thôn mạnh dạn làm du lịch nên thu nhập rất khá. Được biết, Tân Trào là xã đầu tiên về đích trong việc xây dựng nông thôn mới. Đường đi đều được lát bê tông đẹp đẽ. Hầu như hộ nào cũng có điện, nước hợp vệ sinh. Trong những năm qua, nhờ sự đồng lòng của nhân dân và sự đầu tư hiệu quả của Nhà nước, Tân Trào đã xây dựng được 11 công trình thủy lợi cỡ nhỏ và vừa; kiên cố 12,3km kênh mương dẫn nước vào các cánh đồng tưới cho trên 80% diện tích cấy lúa hai vụ ăn chắc. 
Nhà sàn được sửa lại theo dự án, bên ngoài giữ nguyên vẻ truyền thống.
Nhà sàn được sửa lại theo dự án, bên ngoài giữ nguyên vẻ truyền thống. 
Công tác trồng và bảo vệ rừng Tân Trào thực hiện khá tốt. Từ năm 1996 đến nay, nhân dân trong xã đã trồng được trên 300ha rừng phòng hộ, không còn nơi đất trống, đồi trọc, ven đường quốc lộ cũng được phủ bóng bằng hàng ngàn cây xanh. Từ nhiều năm nay, Tân Trào không có vụ cháy hoặc xâm hại rừng xảy ra, rừng được chăm sóc, bảo vệ bốn mùa xanh tốt. Tân Trào khởi sắc như vậy là nhờ sự tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, đồng lòng bảo vệ và phát triển khu di tích Cách mạng, đồng thời nhạy bén trong vấn đề làm kinh tế. 
Quà mừng cưới của Bác Hồ
Hầu hết người dân Tân Trào đều thuộc lòng những câu chuyện về Bác Hồ. Với mong muốn lắng nghe những câu chuyện về Bác Hồ, chúng tôi vào làng tìm gặp bà Nông Thị Mơ trong thôn Tân Lập - một trong số ít cụ còn sống được gặp Bác Hồ những ngày Bác ở Tân Trào. Gia đình bà Mơ nằm đối diện nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Ban Việt Minh làng Kim Long (nay là làng Tân Lập). Những ngày ở trong làng, Người cùng bà con nói chuyện với cán bộ, động viên chị em phụ nữ tăng gia sản xuất. Bà Mơ là một trong số ít chị em từng nấu cơm cho Bác và các chiến sĩ Việt Minh. 
Bà Mơ kể chuyện Bác Hồ tặng quà cưới
Bà Mơ kể chuyện Bác Hồ tặng quà cưới
Năm nay đã 81 tuổi, trí nhớ của bà Mơ có thể quên nhiều chuyện, nhưng kỉ niệm gắn với Bác thì vẫn chưa hề phai mờ. Giọng bà kể sang sảng, khoảng giữa tháng 6/1945, bà xây dựng gia đình với ông Ma Văn Sán. Bác Hồ biết tin đã tới dự. Ngày đó đám cưới của bà được tổ chức đơn giản. Bác ngồi với vợ chồng bà khoảng 1 tiếng đồng hồ. Bác nói: “Tôi lên uống rượu chúc mừng cho cô chú trăm năm hạnh phúc”. Bác tặng 2 đồng bạc trắng để trang trọng trong chiếc hộp hình chữ nhật và dặn bà để vào đâu cho kín. Chiếc hộp đựng tiền của Bác qua hơn 60 năm, hiện nay bà Mơ vẫn còn giữ như một báu vật trong cuộc đời. 
Vợ chồng bà Mơ sống hòa thuận, có 8 người con 4 trai, 4 gái nhưng nay chỉ còn vợ chồng đứa con út sống với bà. Chị Nguyễn Đình Ngữ, con dâu út của bà Mơ cho biết, gia đình chị nằm trong diện được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng để sửa sang lại nhà sàn. Nhà sàn tuy được xây bằng bê tông cốt thép nhưng vẫn giống căn nhà truyền thống của dân tộc Tày. Ngoài việc làm nông, vợ chồng chị còn nuôi ong để lấy mật. Kinh tế ổn định nên gia đình chị không phải lo lắng quá nhiều. Con cháu bà Mơ rất tự hào vì kỉ niệm tuyệt vời đó của đấng sinh thành. 
Được lắng nghe những câu chuyện từ nhân chứng sống, chúng tôi càng thêm trân quý các giá trị cội nguồn. Nhờ vậy, lớp trẻ chúng tôi được trải nghiệm, học hỏi để sống có lý tưởng, có ý nghĩa hơn.