(PLO) - Chuẩn bị ly hôn, người chồng mang đứa con gái 3 tuổi bỏ đi cùng “tối hậu thư” chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng thì mới mang con về.
Chặn đường bắt con
Theo trình bày của chị Lê Kim Nhung (35 tuổi, ngụ phường 4, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), năm 2010, chị gặp gỡ người đàn ông là Trầm Xuân Hoài (37 tuổi, ngụ phường 3). Tháng 6/2012, đôi vợ chồng hân hoan đón đứa con gái chung ra đời. Cũng từ đây, tình cảm của họ có những rạn nứt.
Chị Nhung kể, chồng mình vốn lái xe tải chở hàng hóa trong địa bàn TP Sóc Trăng rồi bỏ ngang, mua một chiếc xe máy định chạy xe ôm, cũng chỉ được vài tháng rồi bỏ. “Đã vậy anh ấy lại rất hay ghen tuông mù quáng. Tôi đi làm từ sáng sớm, đến trưa đã về nhà, nào có thời gian riêng cho mình, vậy mà anh cứ bảo tôi qua lại với người đàn ông khác. Thậm chí, người chủ lò mổ heo nơi tôi làm việc từng gọi điện khuyên anh ấy, còn bảo sẽ giúp chồng tôi công việc để được gần vợ, nhưng anh ấy không chịu đi làm”, người vợ kể.
Sau những xích mích không thể hàn gắn, tháng 4/2015 chị Nhung nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Trong đơn, người vợ trình bày lý do vì chồng lười biếng không chịu đi làm, thường xuyên nhậu nhẹt rồi chửi bới đánh đập vợ con.
Chị Nhung xin được nuôi con, không yêu cầu chồng phải chu cấp gì. Cuối tháng 4/2015, TAND TP Sóc Trăng cho mời đôi vợ chồng đến hòa giải nhưng bất thành. Cặp đôi chưa chờ ngày ra tòa đã đường ai nấy đi. Trên đường từ tòa về nhà, người chồng rượt theo vợ, chặn đường, đưa đứa con gái theo mình.
“Lúc anh ấy bắt con, tôi đã cố gắng ngăn cản nhưng không được. Đoạn đường đó xung quanh toàn ruộng lúa, không ai giúp được. Tôi phải xuống giọng năn nỉ thì chồng tôi bảo đưa con về nhà chơi rồi 5h chiều đưa về lại. Tôi không biết làm cách nào được nữa đành phải đồng ý.Tôi chờ từ chiều đến tối, không thấy chồng đưa con về, gọi điện hỏi thì ảnh đã bỏ đi đâu cùng con bé rồi”, chị Nhung trình bày.
Thiếu phụ lập tức trình báo công an phường, nhưng lực lượng này từ chối can thiệp vì đây là chuyện riêng của gia đình.
|
Bé gái bị cha đưa đi ngay trong ngày ra tòa hòa giải (che mặt) |
Dọa mang con đi “thế chấp”
Từ khi chồng đưa con gái bỏ đi, chị Nhung quay quắt hàng ngày gọi hàng chục cuộc điện thoại để tìm con. Sau nỗ lực của chị Nhung, người chồng cuối cùng đã chịu nghe máy. Đáp lại sự hoang mang lo lắng cho con gái của vợ, người chồng bảo vợ gửi 7 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng cho mình sẽ đưa con về.
Chị Nhung tố cáo: “Tôi hỏi anh ấy đang ở đâu, anh bảo đang ở Đồng Nai, tuyệt nhiên không hé lộ gì thêm. Tôi xin anh cho nghe tiếng con, anh cũng không đồng ý. Anh ấy bảo nếu không gửi tiền thì đừng mong gặp con. Đó là cuộc nói chuyện giữa tôi và chồng sau một tuần anh bắt con đi. Tôi bảo anh ấy cho địa chỉ cụ thể, tôi sẽ mang tiền đến, bao nhiêu tôi cũng chịu, nhưng ảnh không cung cấp. Tôi nghĩ nếu gửi tiền cho chồng, chưa chắc anh ta đã chịu đưa con về, nên tôi quyết định không gửi”.
Những ngày sau đó, chị Nhung tiếp tục gọi điện. Người chồng họa hoằn lắm mới chịu bắt máy. Thấy vợ cứng rắn, người chồng chuyển hướng yêu cầu. “Anh ta nhắn tin bảo tôi trả hết nợ cho những người đang là chủ nợ của anh ta. Mỗi người một ít, có người vài triệu, có người vài trăm, khi nào tôi trả xong sẽ đưa con về. Anh ta còn thách tôi báo công an, nói vẫn là cha của đứa bé nên có quyền đưa con đi”.
Trong lần trao đổi qua tin nhắn này, chồng chị Nhung được cho là còn đưa ra lý do mình sắp đi xuất khẩu lao động, tốn khoảng 40 triệu đồng. Để có số tiền này, anh này sẽ “thế chấp” đứa con cho một người để đi nước ngoài trong vòng 3 năm. Sau 3 năm trở về, nếu có tiền thì sẽ trả lại để chuộc con, còn nếu không thì chịu mất con.
Nghe được thông tin này từ phía chồng, chị Nhung càng như ngồi trên đống lửa, liên tục gọi điện cho chồng, chạy vạy khắp nơi hỏi han bạn bè, người thân để tìm hiểu thông tin nhưng không có kết quả.
Tuyệt vọng, thiếu phụ gửi đơn cầu cứu công an TP Sóc Trăng. Cơ quan chức năng trả lời hiện bé gái con chị Nhung vẫn là con chung của hai người, Tòa vẫn chưa phân xử vụ án ly hôn và trao quyền nuôi con cho chị nên không thể can thiệp.
“Tôi vẫn biết con bé là con chung, nhưng nếu lỡ chồng tôi đem con đi “thế chấp” thật rồi xuất ngoại thì tôi biết tìm con ở đâu đây, biết cầu cứu ai, cơ quan nào sẽ tìm con cho tôi?”, người mẹ đặt câu hỏi.
“Tôi mong chồng chỉ nhất thời nóng giận rồi nói vậy. Nhưng đến nay đã quá lâu rồi, lỡ chồng tôi túng quá làm liều thì tôi không biết tính sao nữa. Con gái tôi sẽ sống như thế nào? Ai sẽ lo lắng cho nó?” người mẹ hoang mang. /.