Công phu, nhiều công đoạn
Dọc theo tuyến đường liên xã, làng nghề nón lá Quy Hậu nằm dọc bên dòng Kiến Giang thơ mộng, nơi mà nghề làm nón phát triển hưng thịnh từ những năm đầu thế kỉ 20.
Ngược dòng lịch sử, nghề làm nón được sổ sách của làng ghi lại rất cẩn thận qua các đời và người đầu tiên thấy được ích lợi của việc làm nón là ông Nguyễn Văn Dỵ (thường gọi là ông Bộ Chiêm) và ông Đỗ Bá Mưỡn (thường gọi là ông thợ Giồng) vào khoảng năm 1905 – 1906.
Hai ông vốn là thợ may có tiếng trong vùng nên rủ nhau ra thị trấn Ba Đồn (Quảng Bình) để may thuê, ở đây lại có đặc điểm cứ bảy ngày lại họp chợ một lần nên hàng hóa từ các vùng lân cận, cả ngoài Hà Tĩnh dồn về khá phong phú. Chỗ làm nghề may của các cụ thuê lại gần ngay chợ Ba Đồn, nằm ngay làng Thổ Ngọa (nay thuộc xã Quảng Thuận), nơi đây có nghề làm nón khá phát triển.
Thấy được lợi ích của nghề làm nón, hai ông trở về quê nhà vận động thêm ba người bạn thân là Lê Quang Mạc, Nguyễn Văn Tranh và Nguyễn Quang Suyền cùng ra Ba Đồn học nghề làm nón để đem về truyền dạy cho bà con ở quê. Trong nhóm người tiên phong cho nghề làm nón này, có ông Bộ Chiêm, vợ đã mất lâu, lại cảnh “gà trống nuôi con” nuôi hai người con gái, may nhờ được người quen mai mối, ông Bộ Chiêm lấy bà Nga, một người phụ nữ có tay nghề giỏi của làng Thổ Ngọa.
“Sau ngày cưới, ông đưa vợ về quê, cùng vợ và nhóm bạn của mình, tích cực truyền nghề, nghề làm nón Quy Hậu nức danh cũng từ đó mà bắt đầu hình thành và phát triển cho đến tận bây giờ”, anh Đỗ Bá Tiến, Trưởng thôn Quy Hậu, kể lại câu chuyện “tổ nghề” làng mình.
Để làm ra một chiếc nón lá đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn liên kết với nhau, hoàn toàn nhờ vào bàn tay khéo léo của người thợ. Bắt đầu quá trình sản xuất là công đoạn tìm tre. Cây tre phải đảm bảo được yếu tố khoảng cách giữa các mắt tre sao cho càng dài càng tốt. Sau đó cây tre được vót thành từng vành nhỏ để áp khít vào 16 vành khuôn theo thứ tự từ hình chóp nón.
Xong công đoạn này, người thợ bắt đầu chuyển sang việc làm lá, công phu và cần sự cẩn thận cao hơn. Cây lá nón sau khi lấy về phải được phơi qua nắng cho đủ độ khô và dai, rồi từng chiếc lá được bắt ra thành những bẹ lớn sau đó được đem đi “ủi” phẳng. Tùy vào kích thước của từng chiếc lá mà người thợ sắp xếp sao cho hợp lí nhất, lá được kết lên chiếc khuôn đã được vót tre sẵn trước đó rồi chuyển sang công đoạn chằm nón (hay còn gọi là may nón).
Theo ông Lê Xuân Thuỷ (81 tuổi) với kinh nghiệm gần 70 năm làm nón, chia sẻ: “Những công đoạn làm tre, làm lá để kết lên khuôn thường do người lớn, người làm lâu năm thực hiện vì khá khó. Còn công đoạn chằm nón theo từng vành, cùng công đoạn “nức nón” (tức là kết vành nón cuối cùng cho chắc chắn), làm khá dễ nên lứa tuổi nào cũng có thể làm được. Bởi thế, nên người dân ở đây mới truyền nhau rằng, với nghề làm nón thì bất cứ ai cũng có thể làm lao động chính trong nhà!”.
Ghi nhận sự phát triển của làng nghề, năm 2008 thôn Quy Hậu được UBND tỉnh Quảng Bình trao bằng công nhận làng nghề làm nón truyền thống. Đồng thời, năm 2014, UBND xã Liên Thuỷ (Lệ Thuỷ) cũng đã thành lập “Hợp tác xã làng nghề” tại thôn Quy Hậu nhằm ghi nhận và thúc đẩy sự phát triển của nghề truyền thống trên mảnh đất còn nhiều khó khăn về kinh tế này.
|
Tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ trong công đoạn chằm nón |
Trăm năm truyền thống nhưng vẫn chỉ là nghề phụ
Theo số liệu thống kê do anh Lê Quang Thắng, cán bộ thôn Quy Hậu, cung cấp, hiện thôn có từ 1.300 – 1.500 hộ gia đình trực tiếp sản xuất nón lá, mỗi ngày sản xuất ra thị trường hơn 2.000 chiếc nón, góp phần tăng trưởng kinh tế từ 10-15%. Nhưng nguồn đầu ra bấp bênh, lại chưa thành công trong việc xây dựng thương hiệu đang đặt ra cho địa phương này nhiều khó khăn.
Qua tìm hiểu, giá nón ở đây có hai loại tùy thuộc vào chất liệu sản xuất. Giá nón lá bình thường dao động từ 15 – 17 ngàn đồng /chiếc, giá nón dừa từ khoảng 40 – 50 ngàn đồng/chiếc, trừ đi chi phí thì người thợ làm nón chỉ thu về 6 – 7 ngàn đồng/chiếc.
Chia sẻ về vấn đề tiêu thụ hàng hóa, anh Đỗ Văn Quyến, một chủ thu mua nón trên địa bàn tâm sự: “Cùng với một số chủ thu mua nón khác trên địa bàn thì số lượng nón tôi thu mua được chủ yếu xuất đi ở các tỉnh, thành phía Nam như Cần Thơ, TP HCM, An Giang. Thường thì 3 – 4 ngày sẽ nhập – xuất một lần. Tuy nhiên, những năm gần đây ở các tỉnh, thành này đang có xu hướng giảm số lượng thu mua vì lí do ế khách. Kinh doanh buôn bán cũng dựa trên nhu cầu thị trường nên mình cũng đành chấp nhận”.
Cuộc sống người dân nơi đây còn thuần túy về nông nghiệp, làm nón tuy là nghề truyền thống nhưng cũng chỉ được xem là nghề phụ, kiếm thêm thu nhập cho gia đình lúc nông nhàn. Vì hình thức sản xuất thì còn mang nặng tính nhỏ lẻ, tự phát, các thương lái trên địa bàn chưa ai đủ “lực”, nên việc xây dựng thương hiệu cho chiếc nón lá của làng nghề từ năm 2013 đến nay vẫn chưa thực hiện thành công.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Thuỷ cho biết: “Thời gian tới, xã sẽ tích cực thúc đẩy cũng như trình đề án xây dựng thương hiệu nón lá Quy Hậu lên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện; Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình nhằm thực hiện thành công chương trình này. Đồng thời kết hợp với du lịch để quảng bá hình ảnh như đào tạo lớp nghề thêu trên nón lá; trưng bày quảng bá, cũng như kinh doanh tại các điểm du lịch trên địa bàn như chùa Hoằng Phúc, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, suối nước nóng Bang…”.