Làng đào Nhật Tân rục rịch chuẩn bị cho vựa đào mới sau tết Nguyên đán

(PLVN) - Sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, bà con vùng đào Nhật Tân lại rục rịch cho vựa đào năm tới. Do phụ thuộc nhiều nhất vào yếu tố thời tiết, nên việc “gom” đào cảnh về vườn diễn ra sớm hơn mọi năm khoảng 1 tuần. 

Nhật Tân là vựa đào lớn nhất miền Bắc, đây cũng là thị trường cung ứng cho dịp tết mỗi năm hàng triệu gốc đào, cành đào đẹp và giá trị để phục vụ cho người dân Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước.

Vườn đào Nhật Tân
Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi không lâu, nhiều bà con vườn đào Nhật Tân thu về khoản lời không nhỏ từ việc bán đào, cho thuê đào, bên cạnh đó cũng có một số hộ gia đình đành xót xa nhìn đào nở sớm do thời tiết nắng nóng kéo dài những ngày giáp tết.

Tuy nhiên, chỉ đến khoảng mùng 6, mùng 7 Tết,  dù có vui hay buồn, được mùa hay thất bát thì năm nào bà con nông dân vườn đào Nhật Tân vẫn chuẩn bị công đoạn cho một mùa đào mới năm tới.

Người dân đang rục rịch cho một vựa đào mới

Nếu như mọi năm, thời tiết khá thuận lợi, một số vườn đào Nhật Tân vẫn dành để phục vụ nhu cầu chơi đào cho dịp Rằm tháng Giêng. Nhưng năm nay, do thời tiết nắng nóng khiến đào nở sớm hơn nên nhiều tiểu thương, thương lái có đi khắp vườn đào lớn nhỏ thì cũng phải tay trắng ra về.

Trao đổi với chúng tôi, Bà Thuận – chủ một vườn đào cho biết: “Mọi năm trước, phải trước Rằm tháng Giêng, khách thuê đào mới trả lại gốc nhưng năm nay thời tiết mấy ngày trước tết nắng nóng bất thường nên họ trả sớm hơn vì hoa đã bung nở hết và héo nhanh”.

Vận chuyển gốc đào cần phải cẩn thận để tránh làm bể, đứt gốc đào

Theo Anh Hưng – người dân được thuê vận chuyển đào ở đây cho hay: “Năm nay các hộ trồng đào thuê tôi chở gốc đào về vườn nhiều hơn so với các năm trước, đa phần toàn là thế đào đẹp, gốc đào cổ có giá trị lâu năm nhưng hoa đã nở sớm nên khách người ta trả sớm hơn”.

Ngay sau khi những gốc đào được đưa về, bà con nông dân đã nhanh chóng các công việc cắt cành, tỉa tót, tạo dáng, thay chậu để cây có thế đẹp và khỏe.

Theo ông Phong – chủ vườn đào Phong Anh cho biết: “Mùng 3, mùng 4 tết năm nay là cả gia đình tôi đã lo việc chăm sóc đào cho vụ mới. Riêng những gốc đào nào to và cổ, thì việc ghép mắt để có cành và hoa đẹp sẽ do chính tôi làm và chăm bón các gốc đào thì sẽ do nhân viên trong vườn đào làm”.

Ông Phong đang ghép dặm thêm vào các gốc đào cảnh

Trồng đào, chăm đào là nghề đã gắn liền với người dân Nhật Tân từ lâu nay. Vẫn biết được mùa hay mất mùa phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nhưng với họ ai cũng có một niềm hy vọng với mùa đào mới họ sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc hơn năm cũ.

Đọc thêm