Nơi gặp gỡ của những phận đời lầm lỡ
Jane, một cư dân của Umoja kể về lý do chuyển đến ngôi làng đặc biệt này sinh sống. “Tôi đã bị ba người đàn ông cưỡng hiếp khi đi lấy củi trong rừng. Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ và không dám kể câu chuyện với bất cứ ai” - Jane vừa nói, vừa đưa đôi mắt nhìn ra phía xa.
Ngôi làng Umoja được lập năm 1990 bởi một nhóm phụ nữ từng bị các binh sĩ Anh hãm hiếp. Giờ đây, cư dân Umoja được mở rộng, bao gồm cả những phụ nữ trốn chạy nạn tảo hôn, FGM (tục cắt bộ phận cơ quan sinh dục nữ), bạo lực gia đình và hiếp dâm. Bà Rebecca Lolosoli -người sáng lập của Umoja - từng phải nhập viện vì bị một nhóm đàn ông hành hung sau khi đưa ra ý tưởng thành lập ngôi làng chỉ có phụ nữ.
Thành viên đầu tiên của Umoja gồm tất cả phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình đến từ các làng lân cận. Ở Umoja, phụ nữ, trẻ em gái được học cách làm hàng thủ công mỹ nghệ, buôn bán, nuôi dạy con cái mà không sợ bạo lực và phân biệt đối xử. Bà Lolosoli cho biết, từ khi thành lập, cư dân Umoja nhiều lần phải đối mặt với sự đe dọa tấn công của những người đàn ông địa phương. “Chúng tôi không hề nao núng hay lo sợ. Chúng tôi tự hào về những gì đã làm được trong 25 năm qua” - bà Lolosoli nói.
Trẻ em ở ngôi làng "không đàn ông" |
Vẫn sinh con, nếu muốn
Một điều khiến nhiều người thắc mắc là, với ngôi làng toàn phụ nữ, tại sao lại có quá nhiều trẻ em như vậy. “À, chúng tôi vẫn thích người đàn ông. Họ không được phép ở đây nhưng chúng tôi vẫn có thể có con nếu muốn, ngay cả khi chưa lập gia đình” - một cô gái trẻ nói.
Lotukoi có lẽ là người đàn ông duy nhất xuất hiện ở Umoja. "Chăm sóc trẻ em, kiếm củi và nấu ăn là việc của phụ nữ; đàn ông phải chăn thả gia súc” - Lotukoi chia sẻ khi được hỏi lý do tại sao phụ nữ trong làng cần anh giúp đỡ. "Thật buồn cười vì bạn không nhìn thấy những người đàn ông trong làng nhưng lại có quá nhiều trẻ nhỏ. Điều đó có nghĩa là, phụ nữ Umoja đi tìm đàn ông bên ngoài" - Lotukoi nói…