Hollywood- Những bí mật đen tối sau ánh hào quang

(PLO) -Không ít tài tử, minh tinh là dân “gay”, dân “les”; nhà làm phim Howard Hughes đòi hỏi cao về cảnh không chiến, khiến 3 phi công 1 một thợ máy thiệt mạng, bản thân ông cũng rạn xương sọ; các nhà sản xuất mua một đống kịch bản về… xếp xó, nhưng điều đó không có nghĩa là kịch bản không hay…
Một cảnh trong phim “I, Robot”
Một cảnh trong phim “I, Robot”

Nhiều ngôi sao màn bạc là người đồng tính

Người ta có thể hoan hô cổ vũ khi ngôi sao đang lên Ellen Page gần đây tự hào tuyên bố với cả thế giới rằng, cô là người đồng tính, có thể sẽ lên xe hoa với đàn bà, con gái. Nhưng trước đây, ngay cả việc ám chỉ đồng tính thôi cũng đồng nghĩa với án tử hình dành cho sự nghiệp của bất kỳ diễn viên nào.

Vì nhiều lý do, cộng đồng sân khấu, điện ảnh luôn có sự hiện diện của không ít diễn viên yêu, kết hôn với người cùng giới tính với mình. Trong số “hi-fi” đó có không ít nhân tài, và họ nhận thấy rằng, phải giữ kín sự khác người của mình nếu muốn đạt bước tiến lớn trong sự nghiệp. Ví dụ, tài tử Rock Hudson là một trong những “bóng” kín nổi tiếng của Hollywood. Ông luôn phải cẩn trọng với tất cả những gì mà giới báo chí, truyền thông nói về mình. 
Ông Hudson không bao giờ chính thức tuyên bố mình là người đồng tính. Sau khi đóng gần 70 phim truyện và một số phim truyền hình trong sự nghiệp diễn xuất kéo dài hơn 4 thập kỷ, ông Hudson qua đời năm 1985, trở thành người nổi danh đầu tiên chết vì bệnh tật liên quan AIDS.

Hai tài tử Randolph Scott và Cary Grant sống cùng nhau hơn chục năm. Vì vậy, đến tận bây giờ, hàng chục năm sau khi họ mất, nhiều người vẫn tin rằng, Scott và Grant là một cặp tình nhân. Ngoài ra, nhiều ngôi sao màn bạc vang bóng một thời (nay đã thành người thiên cổ) cũng bị đồn đoán là “bóng”, hoặc ít ra là thích quan hệ với cả phái nam và phái nữ. Trong số này có ba tài tử Marlon Brando, Alec Guinness và Lawrence Olivier. Marlon Brando, người được coi là diễn viên điện ảnh vĩ đại nhất mọi thời đại, từng thú nhận có quan hệ đồng giới trong đời mình dù ông không bao giờ tiết lộ bạn tình là ai.

Nhà làm phim Howard Hughes khiến 3 phi công thiệt mạng

Rock Hudson và Elizabeth Taylor trong “Giant” - bộ phim dẫn ông tới đề cử Oscar đầu tiên
 Rock Hudson và Elizabeth Taylor trong “Giant” - bộ phim dẫn ông tới đề cử Oscar đầu tiên

Howard Hughes (1905 - 1976) là nhà tài phiệt, nhà đầu tư, phi công, kỹ sư hàng không vũ trụ, nhà phát minh, nhà làm phim, nhà từ thiện người Mỹ. Trong thời của ông, Hughes được coi là một trong những người giàu nhất thế giới theo kiểu tự thân (không phải giàu có nhờ thừa kế). Hughes nổi danh ở Hollywood từ cuối thập niên 20, sản xuất nhiều bộ phim kinh phí “khủng” và thường gây tranh cãi như “The Racket”, “Hell’s Angels”, “Scarface”, “The Outlaw”…

Tỷ phú khác người Howard Hughes đã cho ra đời một số bộ phim rất ấn tượng về chiến tranh. Ông muốn mọi thứ trong phim trông giống thật đến mức cao nhất, vì vậy đôi lúc đẩy nhiều thành viên đoàn làm phim vào vòng nguy hiểm. “Hell’s Angels” (1930) được nhiều người coi là bộ phim lớn nhất, giành được sự nỗ lực cao nhất của Hughes. Tuy nhiên, “Hell’s Angels” cũng để lại tai tiếng vì một số phi công đã tử nạn khi thực hiện những pha hành động quá nguy hiểm ở trên không.

Hughes thuê một số phi công từng lái máy bay chiến đấu trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất để thực hiện một số cảnh quay trong “Hell’s Angels” - bộ phim được coi là tiền thân của dòng phim “bom tấn” ngày nay. Khi tiến trình làm phim bị kéo dài với chi phí tăng cao, Hughes yêu cầu các phi công thực hiện các pha hành động phức tạp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu. Nhiều phi công đã từ chối và từ bỏ dự án làm phim “Hell’s Angels”. 
Những phi công ở lại bị ép thực hiện một cảnh không chiến quy mô lớn liên quan một số pha bay sát sàn sạt. Va chạm xảy ra, hậu quả là 3 phi công và 1 thợ máy thiệt mạng. Kinh sợ, nhiều thành viên đoàn làm phim từ chối làm tiếp.

Cuối cùng, Hughes phải đích thân thực hiện cảnh hành động nguy hiểm nhất trong phim. Đó là cảnh máy bay lấy lại thăng bằng sau khi bổ nhào tấn công mặt đất. Nhưng thực tế, máy bay ngóc đầu không kịp. Hậu quả là Hughes bị rạn nứt xương sọ. Cảnh hậu trường thảm khốc bị giảm tông khi xuất hiện trên báo chí. Sau này, khi tính lập dị của tỷ phú Hughes ngày càng được công khai, sự thật về thảm kịch hậu trường phim “Hell’s Angels” mới được phơi bày.

 Đạo diễn “Casablanca” có thể đã khiến vài diễn viên chết đuối

Hollywood thời kỳ đầu không bị trói buộc bởi những quy định an toàn của các cơ quan quản lý, công đoàn cũng như của bản thân các hãng phim. Hồi đó, kỹ xảo máy tính không tồn tại, các cảnh quay nguy hiểm đều phải thực hiện người thật, việc thật. Ông Michael Curtiz, đạo diễn của bộ phim lừng danh “Casablanca”, quyết định đặt cược tất cả vào bộ phim hoành tráng có chủ đề kinh thánh “Noah’s Ark” (1928). Kết quả đúng là ớn lạnh theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Theo kịch bản, “Noah’s Ark” có đoạn một đám đông dân chúng bị cơn đại hồng thủy cuốn trôi. Bên quay phim nói rằng, việc sử dụng mô hình thu nhỏ cũng đem lại hiệu ứng trông như thật, nhưng đạo diễn Curtiz không nghe. Ông tập hợp các diễn viên phụ (chủ yếu đóng vai quần chúng) rồi liên tục đổ nước lạnh lên người họ cho đến khi trường quay ngập lụt. 
Các diễn viên phụ không được báo trước về việc này. Họ không có thiết bị nổi để bám, trong khi đang mặc những bộ trang phục rất lùng nhùng, nặng nề. Họ bị buộc phải ở trong nước hàng giờ trong khi  đạo diễn Curtiz chỉ đạo quay phim.

Theo một diễn viên đóng thế, người chứng kiến toàn bộ sự việc, cuối cùng, 3 diễn viên phụ bị chết đuối, nhiều người bị thương, nhưng không thấy vụ kiện tụng, truy tố nào diễn ra. Đến nay, đây vẫn là nghi án. Hollywood thời kỳ đầu giữ bí mật nội bộ rất hiệu quả.

Poster phim “Hell’s Angels”
Poster phim “Hell’s Angels” 

Xếp xó kịch bản - những lý do khó ngờ

Người ta ước tính rằng, bất kỳ hãng phim Hollywood nào cũng sở hữu số kịch bản gấp khoảng 10 lần lượng phim họ thực sự sản xuất. Điều đó có nghĩa rằng, Hollywood có những thư viện khổng lồ chất đầy từ sàn tới trần nhà đủ loại kịch bản. Nhiệm vụ bất đắc dĩ của những kịch bản này là hứng bụi hoặc để nhện giăng tơ năm này qua năm khác.

Tuy nhiên, đôi lúc, đó là một chiến lược ranh ma. Hãng phim mua các kịch bản có nội dung tương tự với dự án quan trọng của họ để tránh sự cạnh tranh. Đôi lúc, đó đơn thuần là vì lợi ích tài chính của nhà sản xuất. Ở thời điểm có lợi nhất cho mình, họ pha trộn các kịch bản, thêm bớt một số chi tiết để cho ra món phim “lẩu” mà không phải người xem nào cũng biết thành phần thực sự là gì. Mà nhiều khi phim “lẩu” lại đắt khách. 
Hãy xem trường hợp phim “I, Robot” (2004). Kịch bản gốc tên là “Hardwired” và theo đó, đây sẽ là một phim hành động có nội dung hoàn toàn khác với “I, Robot” phiên bản cuối. Tuy nhiên, khi bản quyền phim đối với tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi tiếng “I, Robot” của nhà văn, giáo sư hóa sinh Isaac Asimov chuẩn bị hết hiệu lực, nhà sản xuất quyết định rằng, kịch bản  “Hardwired” sẽ mang tên “I, Robot” và có một số chi tiết cốt truyện lấy từ tiểu thuyết cùng tên.

Tất cả các tập phim “Die Hard” được thực hiện mà không liên quan gì đến việc nhượng quyền. Bộ phim hành động có tài tử Bruce Willis vào vai chính dựa trên tiểu thuyết ăn khách năm 1979 “Nothing Lasts Forever” của Roderick Thorp. Tuy nhiên, các nhà sản xuất của các tập phim đã đào xới những kịch bản cũ để tìm kiếm ý tưởng mới, nhào nặn chúng, đưa vào khuôn ăn khách mang tên chung “Die Hard”. Nhiều người than phiền, đây là thông lệ đáng buồn ở Hollywood - nơi tiền tấn, tiền tạ được chi cho bộ phận làm kỹ xảo, còn các tác giả, nhà văn nhận tiền cân, tiền lạng.

Năm 2013, phim “World War Z” mà tài tử Brad Pitt thủ vai chính gặt hái lớn xét về doanh thu phòng vé. Phim được đầu tư 190 triệu USD, thu về 540 triệu USD. Kịch bản ban đầu do Matthew Michael Carnahan chuyển thể từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “World War Z: An Oral History of the Zombie War” (2006) của Max Brooks. Sau đó, kịch bản được viết lại để thay đổi một số chi tiết, đặc biệt là đoạn kết của phim. Với “World War Z”, có 2 người xử lý cốt truyện và 3 người viết kịch bản. Kịch bản cho phần tiếp theo, “World War Z 2”, đang được hoàn thiện. Phim dự kiến bấm máy tháng 10/2015 và ra rạp năm 2016.

Đọc thêm