Lãng mạn tình người Quan họ

(PLVN) - Từ bao đời nay, văn hóa luôn là một hình thức phản ánh tư tưởng, lối sống của một con người, của một cộng đồng. Nghệ sĩ Trọng Tấn đã thành công với bài hát mang tên “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình”, bài ca này đồng thời cũng phản ánh cái tình của những con người Quan họ, những con người quý bạn đến chơi, tiếc bạn không thể ở.

Từ bao đời nay, văn hóa luôn là một hình thức phản ánh tư tưởng, lối sống của một con người, của một cộng đồng. Nghệ sĩ Trọng Tấn đã thành công với bài hát mang tên “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình”, bài ca này đồng thời cũng phản ánh cái tình của những con người Quan họ, những con người quý bạn đến chơi, tiếc bạn không thể ở. Là câu dân ca, Quan họ có thể được hát quanh năm, suốt tháng, nhưng cứ khi Tết đến, Xuân về, khi mùa Lễ hội rộn ràng thì câu Quan họ lại càng nồng thắm như tấm yếm đào lóng lánh nắng Xuân. Vào mỗi dịp hội làng, các làng Quan họ cổ lại tất bật, hối hả chuẩn bị, chu đáo, để mời bạn sang chơi. Sau đây là những chia sẻ của nghệ nhân Ngô Văn Sàng - nghệ nhân Quan họ của làng Viêm Xá (hay còn gọi là làng Diềm) về lề lối tiếp đãi khách bạn đã truyền lại từ bao đời nay:

Người Quan họ luôn có một tấm lòng hiếu khách đến nồng nàn. Mỗi một lần gặp mặt, họ đều thể hiện cái nghĩa tình đằm thắm, từ miếng trầu têm cánh phượng, cho tới những câu ca. Hình thức ca của Quan họ cổ là hát đối, và chỉ có hát đối, người Quan họ mới thể hiện được nét riêng, nét độc đáo, nét trữ tình, tình cảm mặn nồng qua từng câu giao duyên. Mỗi khi có hội làng, khi cửa đình được mở ra, người Quan họ sẽ hát tạ ơn công đức các vị thánh, các vị thần và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, để cho con người thêm mặn nồng mà giao duyên. Sau khi đã cảm tạ trời đất, cảm tạ các vị thánh thần, thì người Quan họ chính thức bước vào phần hội, lễ hội của những bản tình ca dân gian, những bản tình ca dành cho những người bạn, những người bạn đã trao gửi câu tình từ mùa Xuân năm cũ. Trong Quan họ cổ, những canh hát như vậy có th ể kéo dài đến vài ngày, với hình thức hát đối, một bên giao câu tình, một bên đáp lại bằng câu nghĩa, cứ thế thay phiên nhau, họ ăn cơm Quan họ tại chỗ, rồi tiếp tục hát, hát đến khi nào không còn câu đáp nữa mới thôi. Sau khi kết thúc một canh hát, người Quan họ sẽ lại tiếp tục hát, nhưng bây giờ là khúc hát để chia ly, khúc hát giã bạn. Giã bạn với người Quan họ cổ càng không phải chỉ là câu chào với câu hẹn gặp lại, mà còn hơn thế, vẫn là tình tứ, nhưng là ý nhớ, là chờ mong, là thể hiện tình cảm để mong cùng bạn sớm có ngày hội ngộ.

Được nuôi dưỡng từ những câu dân ca tình tứ dưới những mái đình cổ kính, văn hóa Quan họ được truyền từ đời này sang đời khác, từ người đã biết chơi tới người chưa biết chơi. Trong Quan họ, người ta có một cách gọi rất riêng mà cũng rất thân thuộc. Người Quan họ gọi nhau bằng anh Hai, bằng chị Ba, còn những cây gạo cội trong làng, gọi là bác Cả. Phải chăng, người Quan họ vì mến nhau, vì tình nghĩa thắm thiết mà gọi nhau bằng những cái tên rất đỗi thân mật. Được lắng nghe nghệ nhân Ngô Văn Sàng nói về cách gọi tên của những người Quan họ với nhau, lại càng thấy đẹp hơn văn hóa Quan họ dân gian thân thương mà tình tứ.

Cái nghĩa tình giữa những người Quan họ giúp người ta nhận ra tình cảm của bản thân với những người bạn xung quanh. Giúp người ta càng muốn trân trọng hơn, càng muốn yêu quý hơn những người bạn đã cùng sẻ chia, cùng đồng hành với bản thân trong bất kể những sự kiện vui buồn. Trong không khí rộng ràng của năm mới, kính chúc quý vị thính giả có một năm mới hạnh phúc, mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng. Chúc cho quý thính giả luôn được che chở trong sự hạnh phúc bởi nghĩa tình thân thương.