Lắng nghe Bộ, ngành, hiệp hội… trước khi thu phí cảng biển

(PLVN) - Từ ngày 1/4/2022, TP HCM sẽ thực hiện thu phí cảng biển mới theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Tuy nhiên, việc thu phí mới này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng như các hiệp hội ngành hàng.
Vận chuyển container vào cảng Tân Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh.

Nhiều khoản thu “đổ đầu” DN

Trao đổi với PLVN, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc thực hiện thu phí cảng biển mới của TP HCM là đi ngược với chủ trương kích thích phục hồi sản xuất, kinh doanh mà Chính phủ đã đề ra.

Ông Giang phân tích, hiện nay các DN đều phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như các phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT... Chỉ tính riêng BOT, hiện nay DN đã gánh thêm một khoản lớn tiền phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT đường bộ. Ví dụ, hiện tại, từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái (TP HCM) có tới 7 trạm thu phí BOT. Mỗi container phải đóng tiền qua trạm 2 lượt đi và về. Như vậy, tổng mức đóng phí qua 1 trạm là 360.000 đ/container; 1 container hàng, DN hiện đã trả thêm phí cầu đường 2,5 triệu đồng.

Như vậy, trung bình mỗi năm, một DN ở Khánh Hòa với 3.000 container xuất khẩu thì đã phải trả thêm 7,5 tỷ đồng/năm tiền phí qua trạm BOT. Nếu gánh thêm khoản phí mới mà TP HCM áp dụng, thì DN quy mô trung bình ở ngoài TP HCM sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, hiện tại các cảng biển cũng đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng như: phí cầu tàu, phí lưu container, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ container…

“Trong tình thế mà chi phí đường bộ đã lớn, DN đang phải gồng mình chi trả thì việc áp dụng thu phí cảng biển mới của TP HCM sẽ làm cho chi phí xuất khẩu hàng hóa của DN dệt may tăng thêm 3%. Con số này không nhỏ với DN bởi đây đang là thời kỳ rất khó khăn, DN nào cũng tập trung cắt giảm chi tiêu ở mức tốt nhất để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam”, ông Giang nói.

Chưa kể, chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các DN sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Quy định thu phí mới này của TP HCM sẽ gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho DN.

Thêm nữa, quy định thu phí mới này của TP HCM càng gia tăng chi phí sản xuất cho DN bởi thực tế phí chồng phí (1 container hàng vừa phải chịu phí nhập khẩu vừa chịu phí xuất khẩu) do hầu hết các DN ngành hàng xuất khẩu đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công hàng và tái xuất thành phẩm.

Hài hòa lợi ích, phù hợp điều ước quốc tế

Trước tình thế khó chồng khó khăn hiện nay, 7 hiệp hội ngành hàng đã cùng ký văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cùng kiến nghị TP HCM “chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên đến hết 31/12/2022 để tạo điều kiện cho DN cắt giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh”.

Đồng thời, các hiệp hội cũng đề nghị TP HCM điều chỉnh áp dụng chung một mức thu là 250.000 đồng/container đối với container 20ft; 500.000 đồng/container với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container cho tất cả các lô hàng xuất nhập khẩu, lô hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng như địa điểm đăng ký mở tờ khai cho lô hàng (theo biểu phí mới của TP HCM, DN mở tờ khai ngoài TP sẽ phải chịu mức phí gấp đôi so với DN mở tại TP).

Xung quanh vấn đề này, mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi UBND TP HCM. Theo đó, Bộ này nhấn mạnh “Tổ chức Thương mại Thế giới cũng như một số điều ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, có một số quy định liên quan đến phí, lệ phí cũng như các khoản thu khác được áp dụng đối với hàng nhập khẩu và quá cảnh”.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND TP HCM tham khảo đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải cũng như các Hiệp hội doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như tránh ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước đối tác.

Đề xuất thu phí từng lùi nhiều lần

Trao đổi với PLVN về vấn đề nói trên, ông Võ Duy Thắng – Trưởng phòng Vận tải và Dịch Vụ Hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) - cho hay, thẩm quyền xây dựng và quyết định việc thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM là HĐND TP HCM. Theo đó, cơ quan này đã bàn bạc, cân nhắc nhiều lần trước khi đưa ra quyết định thu phí, và việc thu phí này tại TP Hồ Chí Minh đã hoãn lại nhiều lần.

Cũng theo ông Võ Duy Thắng, trước khi TP HCM dự kiến thu phí hạ tầng cảng biển thì trước đó, TP Hải Phòng cũng đã thực hiện điều này. “Việc thu phí hạ tầng cảng biển là không sai và thẩm quyền thuộc của địa phương nơi có cảng biển”, lãnh đạo Phòng Vận tải và Dịch Vụ Hàng hải cho biết.

Theo tìm hiểu, thời điểm năm 2019 và năm 2020, khi xây dựng Đề án, TP HCM dự kiến sẽ thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/1/2021. Sau khi lấy ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, mặt trận đoàn thể, thành phố quyết định lùi lại thời hạn thực hiện là từ ngày 1/7/2021. Tuy nhiên sau đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19, thời gian thu phí tiếp tục được lùi đến 1/4/2022.

Toàn bộ số thu phí hạ tầng cảng biển, sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí, được nộp vào ngân sách thành phố. Nguồn lực này sẽ ưu tiên đầu tư mở rộng đường Nguyễn Thị Định, nút giao thông Mỹ Thủy; khép kín đường Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa; mở rộng đường Võ Chí Công; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đường liên cảng Cát Lái-Phú Hữu, xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 4…

Minh Hữu

Đọc thêm