Cấp thẻ căn cước cho trẻ em là lãng phí cực lớn
ĐB Nguyễn Thị Kim Chi (Phú Yên) nói: Trong thực tế, trẻ dưới 14 tuổi không tự thực hiện giao dịch mà phải thông qua người giám hộ, người chưa đủ 14 tuổi chủ yếu chỉ đi học hoặc ở nhà, cũng có trường hợp đi lao động nhưng rất ít. Trong những loại giấy tờ chủ yếu của độ tuổi này là giấy khai sinh. Vậy thì có cần cấp thẻ căn cước công dân cho độ tuổi này hay không, nhất là các cháu sơ sinh hoặc mẫu giáo, tiểu học? “Bỏ ra một khoản tiền tới 650 tỷ đồng để cấp thẻ căn cước cho khoảng 20 triệu người chủ yếu là để cất giữ… là điều cần phải tính toán trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn hiện nay.” ĐB góp ý.
ĐB cũng phân tích thêm: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 19, thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi ko có ảnh, dấu vân tay, không ghi đặc điểm nhận dạng để phân biệt người này với người khác. Nếu cấp căn cước công dân cho đối tượng này là không phù hợp với khái niệm căn cước công dân trong dự thảo luật.
Bà Chi đề nghị luật quy định theo hướng trẻ sinh ra bên cạnh đăng ký khai sinh, vẫn đăng ký thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và số định danh cá nhân, đến khi đủ 14 tuổi sẽ bổ sung định dạng cá nhân như dấu vân tay và cấp thẻ căn cước công dân với số định danh đã có, không cấp thẻ cho người chưa đủ 14 tuổi.
Quy định như vậy bảo đảm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ khi con người sinh ra đến khi mất đi mà không tốn kém nhiều về kinh phí.
Cùng quan điểm của ĐB tỉnh Phú Yên, ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cũng phân tích: Dự thảo Luật thì căn cước công dân gồm 2 phần thông tin về lai lịch, đặc điểm nhận dạng của công dân. Do ảnh, vân tay, đặc điểm nhận dạng của người dưới 14 tuổi chưa ổn định nên những thông tin này chưa được đưa vào trong thẻ căn cước cấp cho đối tượng này mà chỉ có thông tin về lai lịch. Như vậy, dù có cấp thẻ căn cước cho công dân cũng không đáp ứng được yêu cầu chứng nhận căn cước.
“Thông tin trong thẻ căn cước công dân cấp cho người dưới 14 tuổi quy định tại Khoản 2, Điều 19 của Dự thảo Luật hoàn toàn trùng với thông tin trong giấy khai sinh đang cấp theo pháp luật hiện hành. Như vậy, việc cấp thẻ căn cước công dân cho hàng chục triệu trẻ em dưới 14 tuổi đã được cấp giấy khai sinh sẽ dẫn đến trùng lắp và là sự lãng phí lớn nhất là trong điều kiện ngân sách nhà nước rất khó khăn hiện nay.” – ông nói.
Hơn nữa, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi quy định trong khoản 2, Điều 24 của Dự thảo luật sẽ khiến công dân phải đi lại nhiều lần, so với thủ tục cấp giấy khai sinh vừa phức tạp hơn vừa gây phiền hà, mất thời gian, không phù hợp với chủ trương.
Đại tá Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) Chỉ huy trưởng BCH QS tỉnh Bình Thuận lo ngại sự chồng chéo của giấy khai sinh và thẻ căn cước. Ông đề nghị nếu như không thay thế giấy khai sinh thì không nên cấp thẻ căn cước cho đối tượng dưới 14 tuổi để tránh lãng phí tiền của và công sức. Ông cũng cho rằng việc giải thích căn cứ để cấp thẻ cho đối tượng này để “bảo đảm bình đẳng giữa các công dân không phân biệt độ tuổi” cũng chỉ là một cách nói để tăng tính thuyết phục mà thôi. Tóm lại, theo ông Niễn, việc cấp thẻ cho đối tượng dưới 14 tuổi là chưa thật sự thuyết phục.
Đồng ý với việc cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), đưa ý kiến: “Ban soạn thảo đặt mục tiêu dùng Thẻ thay thế cho phần lớn các loại giấy tờ tùy thân khác như giấy khai sinh, hộ khẩu… góp phần quản lý dân cư tập trung, tiến tới giảm giấy tờ là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Việc cấp thẻ cho trẻ em dưới 14 theo tôi là cần thiết bảo đảm quyền của trẻ em theo quy định của Hiến pháp.”
Tuy nhiên, dù nhất trí với việc cấp thẻ cho trẻ em dưới 14 tuổi và đổi thẻ khi đủ 14 tuổi, đồng thời điền đầy đủ thông tin cá nhân góp phần hiện đại hóa trong quản lý hành chính nhà nước. Nhưng ĐB Minh vẫn đề nghị phải cấp Giấy khai sinh đồng thời với thẻ căn cước và mã số thẻ được duy trì suốt đời của mỗi con người từ khi sinh ra. Giấy khai sinh song hành cùng với trẻ em từ khi sinh ra cho đến khi đủ 18 tuổi.
Sao không giữ cụm từ quen thuộc: “Chứng minh nhân dân”
Góp ý về tên gọi của Dự luật, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đưa ý kiến: Không nên đổi tên thẻ là chứng minh nhân dân (CMND) thành thẻ Căn cước công dân, bởi tên thẻ là CMND đã được sử dụng rộng rãi từ lâu và trở nên quen thuộc với người dân. Cả nước đã cấp hơn 68 triệu thẻ CMND trong tổng số hơn 70 triệu thẻ thuộc diện phải cấp.
Hơn nữa các biểu mẫu, giấy tờ hành chính trong hoạt động của cơ quan, tổ chức cũng như giấy tờ đã cấp cho công dân trong các hoạt động giao dịch đều sử dụng CMND; nếu đổi thành thẻ Căn cước công dân sẽ dẫn đến việc thay đổi rất nhiều các quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan đến biểu mẫu giấy tờ hành chính gây tốn kém cho ngân sách nhà nước, làm xáo trộn trong các giao dịch của người dân.
Mặt khác, lý giải về việc thay đổi tên gọi trong báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH chưa làm rõ được lợi ích của việc thay đổi này. Đề nghị vẫn giữ nguyên tên của thẻ là CMND.
ĐB Nguyễn Thanh Thụy cũng lo cho tính khả thi của Dự án luật: Mặc dù Luật đã có 1 điều chuyển tiếp đến năm 2020 chúng ta mới thống nhất thực hiện trên phạm vi cả nước nhưng từ nay đến thời điểm này không còn bao lâu, trong khi đó nhu cầu cấp, sử dụng CMND của công dân ngày càng tăng và số lượng rất lớn. Hiện còn tồn đọng khoảng 14 triệu lời khai chưa được giao nhận và điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, khả năng đáp ứng nguồn nhân lực hiện có còn hạn chế.
Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc đến điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện, không để ách tắc gây phiền hà cho người dân khi Luật có hiệu lực thi hành vì đây là luật có ảnh hưởng, tác động lớn với mọi công dân.
Đại biểu lấy ví dụ khi liên hệ với Luật Bảo hiểm y tế năm 2005 có quy định, đến 2014 trên thẻ bảo hiểm y tế phải có ảnh nhưng đến năm 2014 điều này không thực hiện được, cho nên với lộ trình của Thẻ căn cước công dân, đại biểu đề nghị nên lùi lại 10 năm và trước khi đến thời điểm thực hiện trên phạm vi trên toàn quốc thì nên quy định cụ thể cho từng khu vực như: thành thị, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa để tổ chức thực hiện cho khả thi./.