Sáng hôm nay (18/10), trong phiên thảo luận về Luật Hộ tịch (dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII), các ĐBQH đã thể hiện sự thống nhất cao độ với phương án giữ quy định về cấp giấy khai sinh.
ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) phát biểu: Theo tôi, cần giữ quy định cấp giấy khai sinh. Giấy khai sinh là căn cứ để làm các thủ tục tiếp theo, và văn bản pháp lý đầu tiên do Nhà nước cấp cho công dân để ghi nhận về mặt pháp lý sự ra đời của công dân, là căn cứ cho việc cấp văn bản giấy tờ khác trong quản lý Nhà nước. Giấy khai sinh cũng đồng thời cũng là các dữ kiện cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi như quy định tại Dự thảo luật Căn cước công dân.
Bà Thủy cũng đã dẫn chứng về các thủ tục hộ tịch khác để cho thấy rằng việc cấp thẻ căn cước thay cho giấy khai sinh sẽ không làm giảm được thủ tục, mà còn phiền phức hơn. Đồng thời lấy dẫn chứng về các thủ tục liên quan đến quan hệ với người nước ngoài để cho thấy tầm quan trọng không thể thiếu được của giấy khai sinh của công dân Việt Nam.
Dẫn chứng quy định của Hiến Pháp: “Trẻ em có quyền được đăng ký khai sinh”, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng chung quan điểm không thể bỏ giấy khai sinh. ĐB còn dẫn ra quy định của Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia để cho thấy việc cấp giấy khai sinh là phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Mặt khác, ĐB còn phân tích: “Theo luật hiện hành, khi đăng ký khai sinh, trẻ em được cấp giấy đăng ký khai sinh. Trong khi đó, theo Luật dự thảo Luật Căn cước công dân, sau khi đăng ký khai sinh, UBND cấp xã chuyển thông tin đến cơ quan quản lý, nhưng cũng chưa rõ là chuyển đến cơ quan nào. Quy định như vậy sẽ dẫn đến làm phát sinh thêm thời gian, thủ tục hành chính, tăng khối lượng công việc cho cơ quan Nhà nước, gây phiền hà cho người dân.”
Lý do thứ 3 để ĐB Huỳnh Văn Tính không đồng ý với việc bỏ giấy khai sinh là bởi giấy khai sinh có giá trị suốt đời của mỗi người, không có hạn sử dụng, không giống như thẻ căn cước chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định. “Thẻ căn cước của người dưới 15 tuổi là chỉ từ khi cấp thẻ đển 14 tuổi. Việc ấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi sẽ làm tốn kém cho Nhà nước. Khi giá thành của thẻ căn cước đắt hơn giá của một tờ giấy khai sinh.” – ông nói.
Liên quan đến vấn đề trẻ em nước ngoài sinh ra tại Việt Nam, hay trẻ em Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, ĐB Huỳnh Văn Tính cũng đã phân tích để cho thấy việc giữ quy định cấp giấy khai sinh như hiện tại vừa đảm bảo sự thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
“Việc bỏ giấy khai sinh của trẻ em dưới14 tuổi, thay thế bằng thẻ căn cước, tôi cho rằng sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam.” – ĐB Tiếp khẳng định.
Lấy đặc điểm về sự dễ thay đổi nhân dạng của đối tượng dưới 14 tuổi, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cũng phản bác quan điểm thay giấy khai sinh bằng thẻ căn cước. “Tôi không đồng tình với quy định thay giấy khai sinh bằng thẻ căn cước công dân cho đối tượng dưới 14 tuổi. Bởi những người dưới 14 tuổi có sự thay đổi rất là nhanh về nhân dạng, việc này sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Hai nữa, ở độ tuổi này chưa chịu trách nhiệm Hình sự và các giao dịch Dân sự. Điều đáng nói ở đây là ngân sách Nhà nước và người dân sẽ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để làm 21 triệu thẻ căn cước công dân cho số người dưới 14 tuổi. Trong khi đó nó lại rất ít khi sử dụng trong cuộc sống. Tôi đề nghị tiếp tục cấp giấy khai sinh cho đến khi trẻ đủ 14 tuổi, sau đó thì chuyển thông tin về để cấp thẻ căn cước công dân.”
Từ thực tiễn công tác trong ngành Tư pháp, ĐB Bùi văn Xuyền (Thái Bình) cho biết Thủ tướng Chính Phủ đã có quyết định cải cách hành chính, thực hiện liên thông việc cấp giấy khai sinh, đăng ký thường trú… sắp tới sẽ liên thông nhiều nữa. Như vậy, khi đăng ký khai sinh cho trẻ em, nhiều thủ tục liên quan sẽ được liên thông, kết nối, rõ ràng, nó sẽ đơn giản dần đi. Từ thực tiễn đó, ông cho rằng, không nên bỏ giấy khai sinh.
Cùng nhìn từ góc độ quy định pháp luật liên quan đến giấy khai sinh, Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) đưa ra ý kiến: Việc hoàn thiện PL về hộ tịch, trong đó có khai sinh ngày càng được quan tâm. Giấy khai sinh cũng đã được sử dụng lâu dài và ổn định, đồng thời theo thông lệ quốc tế hiện nay, đa số các quốc gia trên thế giới cũng giữ quy định về giấy khai sinh; việc cấp giấy khai sinh hiện nay cũng không có vướng mắc gì… từ những phân tích đó, ĐB đề nghị giữ nguyên quy định cấp giấy khai sinh cho trẻ em.
Trước đó, ở đầu phiên thảo luận, khi trình bày ý kiến thẩm tra Dự thảo Luật Hộ tịch, UBTVQH cũng đã có ý kiến:
"Đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc ra đời của một con người. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp Giấy khai sinh trong đó có ghi những thông tin cơ bản của trẻ em, giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý Nhà nước. Hơn nữa, việc cấp Giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc. Do đó, UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh”.