Lãng phí nghiêm trọng cũng là chiếm đoạt tài sản công!

Thảo luận về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sáng qua (18/6), nhiều ĐBQH còn băn khoăn khi “hiện trạng của lãng phí ở Việt Nam hiện nay không kém gì tham nhũng, do đó cần xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm tăng cường trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu, cũng như cán bộ công chức”…

Thảo luận về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sáng qua (18/6), nhiều ĐBQH còn băn khoăn khi “hiện trạng của lãng phí ở Việt Nam hiện nay không kém gì tham nhũng, do đó cần xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm tăng cường trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu, cũng như cán bộ công chức”…

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) phát biểu tại Hội trường
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) phát biểu tại Hội trường

Chống lãng phí từ lúc ban hành cơ chế, chính sách

Liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) cho rằng cần bổ sung quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ban hành cơ chế chính sách theo hướng “có phân định rõ vai trò của người đứng đầu trong việc đề xuất trong việc ban hành cơ chế, chính sách mới nâng cao hiệu quả trách nhiệm điều hành các hoạt động của xã hội, khắc phục tình trạng thất thoát lãng phí”.

Lo ngại để tránh tình trạng quy trách nhiệm tập thể một cách chung chung rất khó xử lý khi có hành vi lãng phí, ĐB Phạm Văn Hổ (Phú Yên) đề nghị quy định rõ trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân.

Cùng mối quan tâm của một số ĐBQH về vai trò của báo chí trong phát hiện và đấu tranh chống lãng phí thực hành tiết kiệm, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, “thiếu qui định bắt buộc “người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có phát hiện xảy ra lãng phí" phải đọc báo, hơn nữa lại đọc bài báo cụ thể có tin bài về vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, tổ chức mình để “kiểm tra, làm rõ, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền” nên vẫn có thể trả lời theo kiểu “chúng tôi không nhận được kiến nghị, phản ánh nào”.

Vì vậy, ĐBQH đề nghị nên quy định rõ trách nhiệm thông tin của cơ quan báo chí đối với cơ quan, tổ chức mà báo có tin bài về sự vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hoặc trách nhiệm của người sử dụng tin, bài trên báo chí để phản ánh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với cơ quan, tổ chức mà báo chí phản ánh.

Đồng thời, cần quy định có cơ chế phát hiện, phản ảnh, tố giác hành vi lãng phí, các hình thức thông tin cụ thể cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong tiếp nhận, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm và thông báo công khai kết quả.

Đang thiếu quyết tâm ngăn chặn lãng phí?

Một vấn đề khiến nhiều ĐBQH chưa “yên tâm” với dự thảo Luật là “hiện trạng của lãng phí ở Việt Nam hiện nay không kém gì tham nhũng nhưng chế tài thì chưa được quan tâm đúng mức”.

ĐB Huỳnh Thế Kỳ (tỉnh Ninh Thuận) lo ngại: “Tham nhũng có con người cụ thể để xử lý hình sự, thu hồi tài sản tham nhũng nhưng lãng phí thì nó vô cùng không định lượng được, nếu biện pháp chế tài theo hướng chỉ đặt ra nhưng chưa kiểm tra được những hành vi cụ thể mức độ sai phạm, không làm rõ trách nhiệm và thẩm quyền xử lý, nhất là xử lý đối với tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí thì hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ khó đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí”.

Để tăng hiệu lực, tính cưỡng chế, tức là nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với hành vi gây lãng phí, ĐB  Trần Văn Tấn (Tiền Giang), ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cùng đề nghị quy định là hành vi lãng phí phải được định lượng cụ thể để “nếu lãng phí ít thì xử lý hành chính, còn lãng phí đến mức nghiêm trọng thì phải được xem là chiếm đoạt tài sản công, vì mục đích tư lợi là tham nhũng và phải truy cứu trách nhiệm hình sự”. 

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) chưa thực sự tán thành khi một số lĩnh vực quan trọng với nhiều hành vi gây lãng phí về tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của nhân dân đang diễn ra trong thực tiễn nhưng chưa được dự thảo luật quy định để làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền.

Còn ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) nhận xét, các qui định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng của tổ chức, cá nhân “còn quá chung chung, mang tính chất kêu gọi mà thiếu biện pháp cụ thể, không phù hợp với tính chất một đạo luật”. Nên ĐB Nam đề nghị “chỉ tập trung điều chỉnh vào lĩnh vực sử dụng ngân sách nhà nước, dự án đầu tư bằng vốn nhà nước, mua sắm công, khắc phục những tình trạng lãng phí mà dư luận rất bức xúc hiện nay, đồng thời bổ sung đồng bộ với Luật Phòng, chống tham nhũng cần có các lĩnh vực khác”.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII:

Bổ sung 10 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết

Hôm qua (18/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua thông qua Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, năm 2013 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 với sự tán thành của 447 ĐBQH (bằng 89,76%).

Như vậy, ngoài các dự án đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã có, khóa XIII, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua thêm 9 dự án luật, pháp lệnh và 1 nghị quyết. Trong đó, dự án Luật Hộ tịch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của  Luật Hôn nhân và gia đình được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014.

Cùng ngày, 437 ĐBQH (bằng 87,75%) tán thành thông qua Luật Khoa học & Công nghệ (sửa đổi) với các qui định ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ (KH&CN); thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài, các qui định về nhiệm vụ KH&CN, phương thức thực hiện nhiệm vụ KH&CN, quyền sở hữu, quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phổ biến kiến thức KH&CN; đầu tư, tài chính phục vụ phát triển KH&CN; xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển thị trường KH&CN...

H.Giang

Đọc thêm