Theo đó, ngày 27/11 vừa qua, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã ký Công văn số 156/BCĐ-CQTTr gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về việc giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, xử lý hoạt động buôn bán, vận chuyển pháo từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, những năm qua Lạng Sơn được xác định là địa bàn trọng điểm về hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ từ Trung Quốc vào Việt Nam. Hoạt động này diễn ra cả năm nhưng thường diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm và đặc biệt là thời điểm giáp Tết Nguyên đán.
Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh này đã phát hiện, bắt giữ 135 vụ, 175 đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ, thu giữ trên 6 tấn pháo các loại; đã khởi tố, điều tra 68 vụ, 89 bị can.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, hiện nay việc đấu tranh, xử lý hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các loại pháo gặp khó khăn do Luật Đầu tư 2014 sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 đã quy định bổ sung “Kinh doanh pháo nổ” là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, còn việc kinh doanh các loại pháo khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Căn cứ quy định như vậy thì hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ khi có đủ căn cứ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo khác (gồm pháo hoa, pháo hoa đơn, pháo hoa kép,…) là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, không xem xét trách nhiệm hình sự.
Công văn của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn |
Công văn trên cho biết, thời gian qua khi đưa xét xử các vụ án về pháo thì Tòa án nhân dân các cấp của tỉnh Lạng Sơn yêu cầu phải giám định tang vật để kết luận là pháo nổ hoặc pháo hoa để làm căn cứ xác định có phạm tội hay không. Khi tiến hành trưng cầu giám định các vụ pháo bắt giữ được thì Cơ quan Giám định khoa học hình sự - Bộ Công an đã đưa ra kết luận pháo dạng hộp loại 25, 36, 50 quả/1hộp và pháo hình cầu (pháo lựu đạn) do Trung Quốc sản xuất khi đốt phát ra tiếng nổ và màu sắc, ánh sáng là loại “pháo hoa” nên không xử lý hình sự. Trong khi đó, loại pháo này xét về tính chất, mức độ nguy hiểm tương tự như pháo nổ.
Trước đây các cơ quan tố tụng đã vận dụng Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA,VKSNDTC,TANDTC ngày 25/12/2008 giữa Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao để xử lý về hình sự nếu đủ định lượng. Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, với việc áp dụng các quy định pháp luật như hiện nay thì việc xác định các loại pháo bị cấm và chế tài xử lý hành vi vi phạm về pháo là không phù hợp với thực tiễn, không đảm bảo sức răn đe, dẫn đến tình hình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo trong thời gian tới sẽ tiềm ẩn diễn biến rất phức tạp cả ở địa bàn biên giới và trong nội địa, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân 2018.
Từ thực tế trên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, đưa loại pháo hoa khi đốt có phát ra tiếng nổ, màu sắc, ánh sáng (gồm pháo hoa, pháo hoa đơn, pháo hoa kép,…) vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh như các văn bản quy định trước đây để có chế tài đủ mạnh phục vụ công tác đấu tranh, xử lý, truy tố có hiệu quả, không để tình hình diễn biến phức tạp.
Trao đổi với PLVN, Đại tá Vũ Hồng Quang - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, 80% số lượng các loại pháo bắt được trong các vụ vận chuyển qua biên giới sau khi giám định là pháo hoa, chỉ có 20% là pháo nổ. Điều đáng lưu ý, theo ông Quang, nhiều loại pháo hoa có mức độ nguy hiểm giống như pháo nổ. “Nhiều vụ sau khi giám định thì ra kết quả pháo hoa, dù loại pháo hoa này có mức độ nguy hiểm giống pháo nổ. Khi đó chúng tôi cũng chỉ có thể tịch thu hàng hóa và xử phạt hành chính”, lời Đại tá Quang.