Lạng Sơn: Na Chi Lăng được giá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa na Chi Lăng (Lạng Sơn) đang bắt đầu vào chính vụ. Năm nay, bà con nông dân trồng na tại huyện Chi Lăng và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn vui mừng khi na có giá ổn định. Loại quả to bán được 55.000 – 60.000 đồng, loại vừa khoảng 25.000 – 30.000 đồng.
Na là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Chi Lăng giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, làm giàu (Ảnh: Minh Hữu).
Na là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Chi Lăng giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, làm giàu (Ảnh: Minh Hữu).

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam hôm nay 20/8, bà Hoàng Thị Bình – một chủ vườn na tại thị trấn Chi Lăng (huyện Chi Lăng) cho biết, thời điểm này na Chi Lăng bắt đầu vào chính vụ. Mỗi ngày, có hàng trăm tiểu thương từ dưới xuôi, đông nhất là từ Hà Nội lên Chi Lăng mua na, chở về các tỉnh tiêu thụ.

Theo chủ vườn na này, năm nay một số vườn na không được năng suất bằng năm ngoái, nhưng giá bán ổn định. Tuỳ vào loại na, tại vườn, quả vừa có giá dao động 25.000 – 30.000 VNĐ/kg; loại to có giá lên đến 55.000 – 60.000 VNĐ/kg hoặc có thể còn cao hơn.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam, na Chi Lăng đang được bán nhiều ở Hà Nội tại nhiều cửa hàng siêu thị cũng như tại các chợ truyền thống. Giá na loại vừa có giá lên đến 65.000 VNĐ – 70.000 VNĐ/kg nhưng vẫn "bán chạy như tôm tươi", rất nhiều người mua. Người tiêu dùng ưa chuộng na Chi Lăng vì đây là loại đặc sản ngon ngọt và bổ dưỡng.

Bà Trần Thanh Nhàn - Bí thư Huyện ủy Chi Lăng (ngoài cùng bên phải) và ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng (ngoài cùng bên trái) cùng hai doanh nghiệp đấu giá thành công 2 quả Na dai Chi Lăng. (Ảnh: Ban tổ chức)

Bà Trần Thanh Nhàn - Bí thư Huyện ủy Chi Lăng (ngoài cùng bên phải) và ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng (ngoài cùng bên trái) cùng hai doanh nghiệp đấu giá thành công 2 quả Na dai Chi Lăng. (Ảnh: Ban tổ chức)

Nhằm hỗ trợ bà con nông dân tiêu thị na, UBND huyện Chi Lăng đang có nhiều hình thức quảng bá thương hiệu na Chi Lăng đến đông đảo khách hàng cả nước. Điển hình, hôm qua 19/8, tại Chợ Nông sản thị trấn Chi Lăng, UBND huyện chi Lăng đã tổ chức đấu giá 8 quả Na đặc sản Chi Lăng. Kết quả, 2 quả Na dai Chi Lăng được đấu giá lần lượt là 200 triệu đồng và 220 triệu đồng/1 quả. Ngoài ra, ban tổ chức cũng đấu giá thành công 1 quả Na bở trị giá 100 triệu đồng, 2 quả Na thái trị giá 50 triệu đồng/1 quả… Tổng cộng, ban tổ chức thu về khoảng 770 triệu đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để thực hiện các chương trình an sinh xã hội cho người nghèo tại địa phương.

Theo UBND huyện Chi Lăng, tính đến tháng 8/2023, diện tích trồng na trên địa bàn huyện khoảng 2.500 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt trên 700 tỷ đồng. Trong đó, diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt gần 800 ha. Na Chi Lăng đã được vinh danh và trao cup vàng chứng nhận là thương hiệu nổi tiếng trong top 10 “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Quả na dai được đấu giá cao nhất là 220 triệu đồng (Ảnh: Ban tổ chức)

Quả na dai được đấu giá cao nhất là 220 triệu đồng (Ảnh: Ban tổ chức)

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Lý Việt Hưng – Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Lạng Sơn cho biết, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hình thành vùng sản xuất na tập trung tại hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng với diện tích khoảng 4.000 ha. Ước tính mỗi năm sản lượng đạt khoảng 35.000 tấn, tổng giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập đạt 275 triệu/ha.

Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNN tỉnh Lạng Sơn, sản phẩm na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập nằm trong Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam; được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Nguồn gốc na Lạng Sơn từ Hoài Đức (Hà Nội)

Theo tìm hiểu của PLVN, khoảng năm 1963, một nhóm gia đình gần 20 hộ dân di cư từ huyện Hoài Đức (Hà Nội) lên khu vực huyện Chi Lăng khai hoang, lập nghiệp. Họ mang theo giống na ở Hoài Đức lên trồng. Không ngờ, giống na này rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở khu vực núi đá nơi đây. Na cho quả to, vị ngọt bùi, chất lượng khác hẳn các loại na khác. Sau đó, giống na này được phổ biến, nhân rộng ra khắp hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, đều cho quả ngon, chất lượng rất tốt.

Đọc thêm