|
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn ảnh ĐVCC) |
Chú trọng cải cách thủ tục hành chính
CCTTHC được coi là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển địa phương. Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện khá đồng bộ và hiệu quả việc CCTTHC.
Các nhiệm vụ cải cách được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo nguyên tắc đầy đủ, đúng thời gian, bám sát các mục tiêu đã đề ra. Thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát và niêm yết công khai, rõ ràng tại nơi tiếp nhận và trả kết quả.
Tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 1.794 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền, trong đó, cấp tỉnh có 1.422 TTHC, cấp huyện có 263 TTHC, cấp xã có 109 TTHC.
Trung bình mỗi năm chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp nhận hơn 700.000 hồ sơ TTHC. Với khối lượng hồ sơ nhiều như vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động đẩy mạnh CCTTHC, tập trung vào một số nội dung quan trọng, đột phá qua đó nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức, giảm phiền hà cho cá nhân, tổ chức khi đến thực hiện TTHC.
Nỗ lực tạo đột phá
|
Việc triển khai cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” giúp cho việc thực hiện TTHC được đơn giản hoá, tránh việc người dân phải đi lại nhiều lần, đến nhiều nơi. (Nguồn ảnh: TTPVHCC) |
Trọng tâm là việc triển khai cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” giúp cho việc thực hiện TTHC được đơn giản hoá, tránh việc người dân phải đi lại nhiều lần, đến nhiều nơi. Nhờ đó, đã góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân. Xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, phục vụ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.
Trong 9 tháng năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đối với 520 TTHC, gồm 433 TTHC cấp tỉnh, 70 TTHC cấp huyện và 17 TTHC cấp xã.
Số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” gồm 1.587/1.790 TTHC, trong đó có 1.264/1.421 TTHC cấp tỉnh, 231/262 TTHC cấp huyện, 92/107 TTHC cấp xã. 100% TTHC thực hiện theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” đã được các cơ quan xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” theo quy định.
Đồng thời, triển khai mô hình “4 tại chỗ”: tiếp nhận, thẩm định, giải quyết và trả kết quả. Đây được coi là một trong những đột phá trong công tác CCTTHC. Việc đẩy mạnh thực hiện “4 tại chỗ” giúp tăng cường sự công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.
|
Hiện có 278/1.277 TTHC của 15 cơ quan, đơn vị được giải quyết theo cơ chế “4 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn ảnh: TTPVHCC) |
Tính riêng Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, hiện có 278/1.277 TTHC của 15 cơ quan, đơn vị được giải quyết theo cơ chế “4 tại chỗ”, chiếm 21,77% tổng số TTHC được đưa ra giải quyết tại đây. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết 11.429 hồ sơ TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ”, trong đó, 100% hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn.
Quyết liệt triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến
|
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Lạng Sơn. (Ảnh chụp màn hình) |
Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh triển khai, cung cấp DVCTT, hướng tới nền hành chính hiện đại phục vụ người dân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 263.500 hồ sơ DVCTT, vượt 24,5% so với mục tiêu đề ra trong Kế hoạch số 247/KH-UBND ngày 14/12/2022 của UBND về Chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, các đơn vị đã giải quyết được hơn 258.700 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng và trước hạn được hơn 256.500 hồ sơ (chiếm 99,1%).
Quyết liệt chỉ đạo, triển khai cung cấp DVCTT, ngày 02/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 165/KH-UBND về nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 – 2025.
Mục đích nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT của tỉnh; đẩy mạnh cung cấp DVCTT, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến; qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao để đạt được mục tiêu 50% hồ sơ TTHC được người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến; 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; 60% DVCTT toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng DVCTT và tuyên truyền, hướng dẫn người thân sử dụng DVCTT.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh liên tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố sát sao, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Đặc biệt, tại các xã, phường, thị trấn đã thành lập các tổ như tổ công nghệ số cộng đồng, tổ hướng dẫn người dân thực hiện TTHC, dịch vụ bưu chính công ích, DVCTT tại phận “một cửa” thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công và thực hiện các thao tác thực hiện thủ tục trên môi trường mạng.
Tin chắc rằng, với sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sẽ góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh từng bước hiện đại, thông suốt, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.