Lãnh đạo Sở Y tế trả lời vòng vo vụ phòng khám Maria

Liên tiếp bị báo giới “truy vấn” về trách nhiệm quản lý khi để phòng khám Maria tồn tại dù sai phạm có hệ thống nhưng không lãnh đạo nào của Sở Y tế thừa nhận liên quan trách nhiệm quản lý, mà đều đổ thừa cho khách quan

Liên tiếp bị báo giới “truy vấn” về trách nhiệm quản lý khi để phòng khám Maria tồn tại dù sai phạm có hệ thống nhưng không lãnh đạo nào của Sở Y tế thừa nhận liên quan trách nhiệm quản lý, mà đều đổ thừa cho khách quan.
[links()]
Chết người vì… khách quan!

 Bà Đặng Thị Hòa, Phó thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ khi đưa vào hoạt động từ 30/12/2010, phòng khám đã có 4 lần phải xử lý hành chính trước khi gây ra hậu quả là ca tử vong đau lòng của bệnh nhân mới đây.

 Trong đó, riêng trong năm 2011, lần nào kiểm tra tại phòng khám này cũng phát hiện sai phạm “tày đình”.

 Cụ thể, ngày 9/5/2011 Thanh tra Sở Y tế ra quyết định xử phạt 18,5 triệu đồng với phòng khám này vì phát hiện bác sĩ Đặng Quỳnh Trang (quốc tịch Đài Loan) khám chui tại  phòng khám này. Tiếp đó, đến ngày 29/6/ 2011, đoàn thanh tra đến kiểm tra đột xuất, không phát hiện bác sĩ nước ngoài đang khám nhưng trên giấy tờ hồ sơ có một bác sĩ Trung Quốc tên là Hạ trực tiếp khám chữa cho bệnh nhân và đại diện phòng khám này cũng thừa nhận và bị phạt 7,5 triệu đồng. Tiếp đó, đến 6/11/2011, phòng khám này lại có sai phạm vì bán thuốc khi chưa đủ điều kiện và bị phạt hành chính 5 triệu đồng.

 Như vậy, chỉ trong một năm, với 2 sai phạm có bác sĩ Trung Quốc khám chui và bán thuốc khi chưa đủ điều kiện, phòng khám này chỉ bị phạt hơn 31 triệu đồng, số tiền không bằng một lần điều trị trung bình cho bệnh nhân bị viêm phụ khoa, viêm lộ tuyến cổ tử cung ở phòng khám này.
 
Liên tục bị báo chí “truy vấn” về việc để một phòng khám có sai phạm hệ thống được tiếp tục hoạt động dẫn đến hậu quả đau lòng là một bệnh nhân tử vong, người đứng đầu phòng khám có trách nhiệm đến đâu, ngành y tế có trách nhiệm như thế nào trong việc quản lý… thì người đứng đầu ngành y tế Hà Nội, thanh tra Sở Y tế Hà Nội… liên tục mang những yếu tố khách quan ra để trả lời.

 “Chúng tôi rất chia sẻ với những bức xúc của người dân trong việc để tồn tại những sai phạm của phòng khám có yếu tố nước ngoài. Quả thực với ngành y tế, khối lượng công việc lớn, riêng ngành y tế rất khó làm tốt, cần sự vào cuộc của các cấp ngành”, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền nói.

iám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đổ thừa chuyện phòng khám có yếu tố nước ngoài ngang nhiên làm bậy là do khách quan
iám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đổ thừa chuyện phòng khám có yếu tố nước ngoài ngang nhiên làm bậy là do khách quan

 Lãnh đạo Sở Y tế cũng lý giải, việc kinh doanh khám chữa bệnh là kinh doanh có điều kiện, có người đứng đầu chịu trách nhiệm chuyên môn, kỹ thuật. “Việc để cho bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ làm việc hành nghề, trước hết trách nhiệm của người sử dụng lao động, trách nhiệm của người được giao quản lý phòng khám. Còn ngành y tế có trách nhiệm quản lý cơ sở này, hậu kiểm để làm sao phát hiện sai khạm. Nhưng việc quản lý lại rất khó khăn, đi kiểm tra nhiều lần nhưng không phát hiện vì với quy định thanh, kiểm tra đợi đến khi hoàn thành thủ tục một cuộc kiểm tra thì đến nơi, họ đã trốn hết”, ông Hiền nói.

 Giám đốc Sở Y tế cũng đánh giá cao hình thức thanh tra đột xuất. Thực tế, khi ông Hiền đích thân xuất tướng mới đây kiểm tra tại phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung đã phát hiện sai phạm này. “Lần kiểm tra đó có lợi thế, tôi mới lên giám đốc nên họ không biết mặt, không cảnh giác còn mời vào khu vực khám để chờ và sai phạm đã bị lộ. Tôi thực sự đề cao việc kiểm tra đột xuất và mong muốn làm được nhiều hơn, nhưng lực lượng không nhiều, kiểm tra hết sức khó khăn”.

 Còn ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế thì cũng cho rằng, một phần nguyên nhân là do lực lượng thanh tra mỏng. Hơn nữa khi phát hiện sai phạm rất khó xử lý các vi phạm của các phòng khám bởi việc xử lý là có quy định rõ ràng. “Luật quy định rất cụ thể, hành vi nào có quy định ngoài hình phạt chính phải có hình phạt bổ sung là tước chứng chỉ, tước giấy phép khám chữa bệnh thì chúng tôi mới được tước. Không có nghĩa thích tước được tước, thích đình chỉ là đình chỉ, phải có quy định của pháp luật”.

 Trước lý giải của những người đứng đầu Sở Y tế Hà Nội, một đại biểu bức xúc: “Tôi thực sự sốt ruột với cách trả lời của y tế. Cháy nhà đã ra…chết người. Đây là sự việc liên quan trực tiếp đến sự sống, chết của người dân. Thực tế ghê rợn, khi đến phòng khám này, họ bị đe dọa bệnh nặng hơn. Khi đó, như cá nằm trên thớt với những lời đe dọa đó, họ sẽ về bán trâu bán bò mà chữa bệnh. Trách nhiệm Sở Y tế biết việc đó chưa, thanh tra biết việc đó chưa và giải quyết như thế nào?” và cũng không có câu trả lời cho vấn đề này.

 Lại “răn đe” tước giấy phép!

 Tháng 9/2011, Sở Y tế đã tổ chức một cuộc họp với các phòng khám có yếu tố nước ngoài và răn đe các cơ sở này, nếu phát hiện vi phạm tái diễn sẽ đình chỉ hoạt động. Thực tế, trong năm 2011, phòng khám Maria sai phạm 3 lần vẫn chỉ dừng lại ở phạt tiền. Đến tháng 7/2012, Sở Y tế cũng tổ chức cuộc họp tương tự và với tuyên bố vẫn y nguyên. Nhưng thực tế, nếu không xảy ra vụ việc trầm trọng lại phòng khám Maria, thì với sai phạm tại Phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung sẽ khó có một án phạt đình chỉ hoạt động. Bởi trên thực tế, trong năm 2011, phòng khám Maria với 3 sai phạm tương tự vẫn tự do hoạt động, chỉ phải phạt tiền.

 Để giám sát chặt hoạt động của 13 cơ sở còn lại, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết đã chỉ đạo phát mẫu bản cam kết cho các cơ sở khám bệnh có yếu tố nước ngoài, nêu rõ, nếu có hành vi tái diễn vi phạm thì phòng khám sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

 “Khi kiểm tra phát hiện phòng khám nào có vi phạm sử dụng bác sĩ khám chui (bất kể người VN hay người nước ngoài) sẽ báo cáo để đồng chí Giám đốc sở giao cho phòng chuyên môn thu hồi lại”, ông Cường khẳng định.

 Một lần nữa bị “truy vấn” về trách nhiệm của ngành y tế trước vụ việc phòng khám Maria, ông Hiền khẳng định: “Trường hợp tử vong của bệnh nhân trên căn cứ vào kết luận điều tra, ai vi phạm đâu xử phạt đến đó, kể cả ngành y tế. Tuy nhiên cũng cần nói rõ, nếu chúng ta không nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu phòng khám rất khó kiểm soát việc họ tuyển bác sĩ không được cấp phép. Dù vậy, ngành y tế phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc kiểm tra, hậu kiểm, đặc biệt xử lý vi phạm.
 
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, sự việc tại phòng khám Maria là cơ hội để ngành y tế rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Ông cũng cho biết đang đề nghị Sở kế hoạch đầu tư rút phép hoạt động về y tế của phòng khám Maria.

Theo Dân Trí

Đọc thêm