Theo AP, hội nghị ở Anh thu hút sự tham dự của đông đảo các chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, Giám đốc IMF Christine Lagarde, Tổng thống các nước Afghanistan, Nigeria, Colombia cùng đại diện của nhiều ngân hàng, tổ chức dân sự xã hội khác.
Independent cho biết, ông Cameron muốn những người tham dự hội nghị “thừa nhận” rằng tham nhũng đang làm suy yếu những nỗ lực nhằm “chấm dứt tình trạng đói nghèo, thúc đẩy thịnh vượng và đánh bại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan”.
“Tham nhũng là kẻ thù của tiến bộ và là nguồn gốc của nhiều vấn đề trên thế giới. Nó hủy hoại việc làm và đẩy lùi đà tăng trưởng kinh tế, đẩy những người nghèo nhất vào tình trạng khánh kiệt và làm suy yếu an ninh khi đẩy nhiều người tới các nhóm cực đoan” – ông Cameron nhấn mạnh trong một tuyên bố được đưa ra trước hội nghị.
Do vậy, ông Cameron muốn hội nghị đưa ra một tuyên bố toàn cầu trong việc chống tham nhũng và phá bỏ điều mà ông gọi là điều cấm kỵ trong việc giải quyết vấn đề ngay từ đầu. Nhà lãnh đạo Anh thừa nhận cuộc chiến chống tham nhũng không thể giải quyết trong một ngày mà cần phải có thời gian, can đảm và quyết tâm trong việc thực hiện những cải cách cần thiết.
Thủ tướng Anh cũng tuyên bố Anh sẽ đi đầu trong việc loại bỏ những hành vi sai trái trong lĩnh vực tài chính, thông qua một đạo luật yêu cầu của Anh, bao gồm cả các công ty nước ngoài có tài sản ở Anh hoặc muốn giành được các hợp đồng với chính phủ Anh, phải tiết lộ những người chủ hưởng lợi thực sự từ các công ty này.
Theo giới chức Anh, việc buộc phải đăng ký như vậy được thực hiện nhằm đảm bảo các cá nhân tham nhũng và các nước không thể chuyển, rửa hay che giấu những khoản quỹ bất hợp pháp thông qua thị trường tài sản ở Anh. Các nước Pháp, Hà Lan, Nigeria và Afghanistan cũng đã cam kết sẽ đưa ra các quy định buộc đăng ký sở hữu tương tự.
Bên cạnh đó, ông Cameron cũng nói rằng chính phủ của ông đang xem xét ban hành quy định buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về các hành vi gian lận và rửa tiền do các nhân viên của công ty đó thực hiện. Anh cũng thông báo sẽ thành lập một trung tâm quốc tế mới với sự giúp đỡ của Anh, Canada, Australia, New Zealand và Thụy Sỹ để giúp điều phối các nỗ lực chống tham nhũng.
Tuy nhiên, trước khi hội nghị diễn ra, một số người đã lên tiếng phàn nàn khi FIFA hay Panama và các vùng lãnh thổ của Anh ở nước ngoài như quần đảo British Virgin vốn đang là tâm điểm của những bê bối tham nhũng không được mời dự hội nghị. Theo AFP, hơn 1 nửa trong số 214.000 công ty do Công ty luật Mossack Fonseca của Panama đại diện có liên quan đến quần đảo British Virgin.
Trong một diễn biến liên quan, Reuters cho biết, theo Hồ sơ Panama vừa bị rò rỉ, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull từng đứng tên làm giám đốc của một công ty ở British Virgin, chuyên thăm dò khai thác vàng ở Siberia. Tuy nhiên, ông Turnbull ngày 12/5 khẳng định không thực hiện bất cứ hành vi sai trái nào.