Lãnh đạo Vietnam Airlines hiểu nhầm bản chất hàng không giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dư luận bàn tán xôn xao về phát biểu của ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia kinh tế - xã hội ngày 27/9 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Hòa phát biểu rằng, giá vé đưa ra còn thấp hơn cả giá xăng dầu quan ngại về an toàn hàng không. Nếu các hãng cạnh tranh nhau và giá vé còn thấp hơn cả giá xăng dầu thì ảnh hưởng đến chi phí an toàn hàng không rất là lớn. Nếu có sự cố gì thì không chỉ ảnh hưởng hãng mà toàn bộ quốc gia. Như Indonesia cũng đưa ra chính sách để giá vé không thể thấp quá.

Cách lập luận và quan điểm của lãnh đạo hãng hàng không Quốc gia về hàng không giá rẻ là sai lầm khi so sánh giá vé máy bay với an toàn hàng không vì đây là hai lĩnh vực khác nhau của ngành hàng không. Bởi lẽ, giá vé rẻ không có nghĩa là chất lượng tàu bay thấp hay sử dụng các yếu tố kỹ thuật, con người, hạ tầng kém chất lượng dẫn đến mất an toàn hàng không.

Việc quan niệm giá vé máy bay rẻ gắn với an toàn hàng không là một quan niệm rất không đúng đắn. Vì, giá vé nằm ở dịch vụ hàng không chứ không phải giảm giá bằng việc cắt bớt các yếu tố đảm bảo an toàn hàng không.

Các hãng hàng không khác có giá vé máy bay rẻ là vì họ có phương thức kinh doanh tốt, quản trị giỏi, giảm bớt các chi phí dịch vụ, tối ưu hóa, số hóa nhiều công đoạn để giảm nhân lực, tiết kiệm chi tiêu để tăng lợi nhuận. Những hoạt động đó không liên quan đến an toàn bay, mà là mô hình kinh doanh thông minh để có giá vé cạnh tranh nhất. Chiến lược kinh doanh quyết định giá vé rẻ hay đắt. Giá vé cao hay thấp là tùy theo dịch vụ được cung cấp.

An toàn hàng không là tiêu chuẩn pháp lý, kỹ thuật bắt buộc đối với mọi hãng hàng không, bất luận giá vé. Đã là hàng không, phải hiểu rằng chiếc máy bay cất cánh là phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn theo chuẩn mực của ngành hàng không thế giới.

Hiện nay, vé bay giá rẻ đã chiếm trên 50% tổng số vé tiêu thụ trên thị trường hàng không thế giới. Không lẽ hàng tỷ người bay mỗi năm là không an toàn và các quốc gia khác không quan tâm đến an toàn của các hãng hàng không.

Trong nước, vé bay rẻ đã chiếm 65% thị trường, trong đó có cả những vé rẻ VNA bán cho khách bay vào giờ thấp điểm (tối muộn hoặc bay đêm). Điều này không quyết định đến an toàn hàng không.

Không phải vì giá rẻ nên xem rẻ sự an toàn, bởi vì mạng người là như nhau, không phân biệt sang hèn quý tiện. Chưa kể, rất nhiều người danh giá nhưng vẫn đi hãng hàng không giá rẻ, hoặc bay giá rẻ của hãng hàng không truyền thống. Đó là lựa chọn của họ, không phải vì họ không có tiền.

VNA không cần lo cho sự an toàn của hãng hàng không khác, vì hơn ai hết, chính các ông bà chủ của hãng máy bay tư nhân lo cho sự an toàn của họ. Vì chỉ cần một lần mất an toàn, họ sẽ mất tất cả.

Ông Đặng Ngọc Hòa nêu về sự an toàn của các hãng hàng không giá rẻ để muốn áp đặt giá sàn, bản chất là buộc tất cả các hãng bay trong nước phải tăng giá vé máy bay.

Ngoài chuyện an toàn, ông Hòa còn nêu lý do là năm 2021, tác động từ dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều đến hàng không. Chuyện này thì ai cũng rõ, mà không chỉ VNA, các hãng hàng không khác cũng “phơi tàu bay” và chịu thiệt hại như nhau. Có điều, chỉ có VNA là được Nhà nước hỗ trợ gói 12.000 tỷ đồng, còn các hãng tư nhân không có được may mắn đó.

Nhưng tư nhân vẫn phải cắn răng chịu đựng, tự mình tìm cách để vượt qua.

Đặc thù của hàng không là tính thời vụ, thời điểm. Vào giờ, mùa cao điểm, vé bay tăng cao, thấp điểm thì giá vé thấp. Kinh doanh theo mùa thì có chuyến, có giai đoạn lỗ, có giai đoạn lãi, gộp chung lại vẫn lãi là bình thường. Việc nêu ra vấn đề giá vé so với chi phí xăng dầu ở một vài thời điểm để quy kết là đe dọa an toàn hàng không là hoàn toàn không có căn cứ.

Chủ tịch VNA khẳng định quy định giá sàn là để chống bán phá giá, bán vé dưới giá thành. Song, quan niệm này không phù hợp với hoạt động kinh doanh vì không hãng hàng không nào sống được bằng việc bán vé dưới mức giá thành. Việc giảm giá thành mới là chiến lược căn bản của mọi doanh nghiệp và không thể đưa ra các quy định pháp lý hay hàng rào kỹ thuật để ngăn cản các hãng hàng không giảm giá thành dịch vụ, từ đó giảm giá vé.

Quan điểm này của lãnh đạo VNA sẽ giết chết cạnh tranh hàng không và không thể khuyến khích các hãng giảm giá thành dịch vụ để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Theo quy định của pháp luật, nếu doanh nghiệp nào bán phá giá áp dụng chế tài của Luật Cạnh tranh. Việc suy đoán hàng không giá rẻ là do vi phạm quy tắc an toàn hàng không hay bán vé dưới giá thành là suy đoán rất thiếu căn cứ và khó chấp nhận, nhất là với người đứng đầu hãng hàng không Quốc gia.

Về chuyện áp giá sàn, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét, một hãng 3 sao phải bán giá như hãng 5 sao thì ai mua của hãng 3 sao. Câu nói này lột tả bản chất của dịch vụ và lý do của hàng không giá rẻ, không phải như quan điểm của Chủ tịch VNA.

Đọc thêm