Lào Cai chú trọng nâng cao chất lượng công tác hòa giải tại cơ sở

(PLVN) - Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tăng cường công tác củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp và giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.

Theo điều 2, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật. Mục đích của hòa giải cơ sở là giữ gìn đoàn kết và tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân,  củng cố phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Hoạt động hòa giải được thông qua các hòa giải viên ở các tổ hòa giải.

Xuất phát từ mục đích và vai trò nêu trên của hòa giải ở cơ sở mà xét ở một khía cạnh nhất định ở phạm vi hẹp thì hòa giải ở cơ sở chính là một hình thức hữu hiệu để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tới nhóm đối tượng người dân cụ thể là các cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở theo quy đinh của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 Hội nghị bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở năm 2020 tỉnh Lào Cai

Theo báo cáo số 130/BC – UBND tổng kết 5 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh có 1.700 tổ hòa giải, hoạt động tại trên 1.800 thôn bản, tổ dân phố với gần 8.200 hòa giải viên. Các thành viên tham gia tổ hòa giải ở thôn bản, tổ dân phố gồm có tổ trưởng hoặc tổ phó, Mặt trận thôn, tổ chức đoàn thể như: Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân… Công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi cũng được quan tâm.

Kết quả cho thấy, sau 5 năm thực hiện Luật, các tổ hòa giải trong tỉnh đã hòa giải trên 6.200 vụ việc. Trong đó, hòa giải thành công gần 5.200 vụ việc (đạt tỷ lệ trên 83%).Các vụ việc tập trung chủ yếu là liên quan đến lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình... Số vụ hoà giải thành ngày càng tăng đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp; giữ gìn tình đoàn kết thôn xóm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở bộc lộ không ít tồn tại, bất cập. Các trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp,  trong khi đó trình độ, kỹ năng hòa giải của một số hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật, chủ yếu hòa giải theo kinh nghiệm. Việc nắm bắt, tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan đến vụ việc hòa giải còn nhiều hạn chế, phần lớn không biết các kỹ năng công nghệ thông tin để tra cứu các tài liệu nghiên cứu áp dụng vào các vụ việc hòa giải. 

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc. Các thành viên tổ hòa giải thường có thay đổi, vì vậy việc kiện toàn tổ hòa giải ở một số nơi chưa thực hiện được thường xuyên. 

Ngoài ra, kinh phí hoạt động hòa giải hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ngân sách của địa phương và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ từ chính quyền cho hoạt động hòa giải ở cơ sở chủ yếu được sử dụng chung cho sinh hoạt của tổ hòa giải chứ không hoàn toàn để trả thù lao cho hòa giải viên, sau đó mới chi cho các hoạt động đào tạo, tập huấn, đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu kiến thức, các cuộc thi cho hòa giải viên.

Các hòa giải viên thực hành giải quyết tình huống tại hội nghị bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ

Thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở. 

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước.

Đọc thêm