Lào Cai là tỉnh có cửa khẩu Quốc tế, có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, các hoạt động xuất – nhập qua các cửa khẩu phụ, lối mở, đường thủy trên tuyến biên giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường về an ninh, trật tự, là địa bàn rất thuận lợi chho các loại tội phạm lợi dụng các phương tiện giao thông để hoạt động phạm tội, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội.
Mạng lưới giao thông chủ yếu là đường bộ, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, kèm theo thời tiết thay đổi thất thường do sự biến đổi của khí hậu nên đi lại gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến vấn đề tham gia giao thông của người dân.
Bên cạnh các yếu tố khách quan như hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế, thì một phần nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do một bộ phận người tham gia giao thông không chấp hành nghiêm Luật Giao thông Đường bộ. Đặc biệt, các vụ vi phạm hành chính còn xảy ra nhiều và có chiều hướng gia tăng vào các ngày nghỉ, lễ, tết như: vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ trái quy định,...
|
Tỉnh Lào Cai xác định cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông |
Theo thống kê, năm 2020, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Lào Cai đã tiến hành lập biên bản vi phạm 7512 trường hợp; tước giấy phép lái xe 1881 trường hợp; tạm giữ 2941 phương tiện; tịch thu 19 mô tô; xử phạt vi phạm hành chính 20.570.490.000 đồng. Đặc biệt, tập trung xử lý theo chuyên đề: xử lý vi phạm nồng độ cồn: 1200 trường hợp; xử lý quá tải trọng 111 trường hợp;...
Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ tai nạn giao thông, các ngành thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh đã phát động toàn dân cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông .
Bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông, thì công tác tuyền truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông là điều kiện quan trọng, không thể thiếu trong giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn và va chạm giao thông.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an toàn giao thông năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, ông Nguyễn Đắc Long, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lào Cai cho biết: “Trong tình hình phương tiện giao thông gia tăng, ý thức chấp hành luật giao thông còn hạn chế, thì một trong những nhiệm vụ cần quan tâm hơn nữa là đổi mới công tác tuyên truyền, công tác tuyên truyền cần đi vào thực chất, cần sự tham gia của các cấp, các ngành, cơ quan báo chí, truyền thông”.
Từ nhận thức trên, thời gian qua lực lượng Công an trong tỉnh Lào Cai tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban An toàn giao thông cùng cấp chỉ đạo các ngành, đoàn thể trong tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dể tiếp cận, dễ nắm bắt, tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đã góp phần quan trọng đưa Luật Giao thông vào cuộc sống, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân khi tham gia giao thông, có ý thức bảo vệ tính mạng, tài sản của chính bản thân mình và người khác.
|
Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an toàn giao thông năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 tỉnh Lào Cai, ảnh:Phạm Vũ Sơn |
Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2021, tỉnh Lào Cai với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, xác định công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nên cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh để tập trung thực hiện mục tiêu kéo giảm cả 3 tiêu chí số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương.
Trong đó, tiếp tục công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân và người tham gia giao thông. Đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.