Lào Cai sẽ có 11 Văn phòng Thừa phát lại trong giai đoạn 2021-2030

(PLVN) - Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai vừa có thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, theo đó, việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh sẽ được chia thành 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn từ 2021-2025, tỉnh sẽ cho phép thành lập 3 Văn phòng Thừa phát lại. Trong đó, TP. Lào Cai, Thị xã Sa Pa; huyện Bảo Thắng; mỗi địa phương sẽ có 1 Văn phòng Thừa phát lại.

Trong giai đoạn từ 2026-2030, cho phép thành lập thêm 08 Văn phòng Thừa phát lại tại các đơn vị hành chính. Trong đó, TP. Lào Cai và Thị xã Sa pa, mỗi địa phương sẽ phát triển thêm một Văn phòng. Các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bát Xát, Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, mỗi huyện sẽ phát triển 1 Văn phòng Thừa phát lại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo thông báo của Sở Tư pháp Lào Cai, Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đến Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai (qua Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh), theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ.

Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; Bản thuyết minh về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện; Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu

Trước đó, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án phát triển Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Đề án nêu rõ, hiện số lượng việc thụ lý, giải quyết và hồ sơ, giấy tờ tống đạt của TAND, VKSND, Thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Việc xây dựng Đề án phát triển văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2030 sẽ đáp ứng các yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các giao dịch dân dự, kinh tế và trong quá trình thi hành các bản án, quyết định của TAND, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, giảm tải công việc cho TAND, cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn tại địa phương.

Đọc thêm