Lao động cao đẳng, trung cấp dễ tìm việc tại Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Lâm Đồng, các nhà tuyển dụng có xu hướng chọn lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nhiều hơn so với lao động có trình độ đại học; ngược lại, lao động có trình độ đại học có nhu cầu tìm việc nhiều hơn, tiềm ẩn nguy cơ thất nghiệp cao.
Người lao động tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng.
Người lao động tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng.

Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm giảm

Ngày 9/10, Trung tâm dịch vụ việc làm Lâm Đồng (Sở LĐTB&XH Lâm Đồng) lần đầu tổ chức hội thảo, công bố bản tin thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – PGĐ Sở LĐTB&XH Lâm Đồng cho biết đã ấp ủ nhiều năm về việc công bố thông tin thị trường lao động; qua đó mong muốn ghi nhận ý kiến chuyên gia, các sở, ngành để tiếp tục hoàn thiện dự báo thị trường lao động trên địa bàn thời gian tới. Từ đó tranh tình trạng “lệch pha” cung – cầu”, góp phần giúp người lao động dễ dàng tìm được việc làm, tránh lãng phí nguồn nhân lực, nhân tài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

PGĐ Sở LĐTB&XH Lâm Đồng, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng thông tin thị trường lao động rất quan trọng để tránh lãng phí nguồn nhân lực.

PGĐ Sở LĐTB&XH Lâm Đồng, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng thông tin thị trường lao động rất quan trọng để tránh lãng phí nguồn nhân lực.

“Qua hội thảo này, chúng ta cần nhìn nhận lại để đưa ra dự báo cụ thể về thị trường lao động; các đơn vị đào tạo cần tập trung ngắn hạn vào ngành nghề gì để đáp ứng nhu cầu việc làm; thể chế về thị trường lao động còn bất cập gì, từ đó đưa ra kiến nghị để khắc phục…”, lãnh đạo Sở LĐTB&XH Lâm Đồng nhấn mạnh.

Thống kê từ Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Lâm Đồng cho thấy, thu nhập bình quân tháng của người lao động (NLĐ) quý II năm 2023 là 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 430 ngàn đồng so với cuối năm 2022. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,2 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ.

Ông Hoàng Trọng Vinh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng nêu thực trạng thị trường lao động tỉnh nhà.

Ông Hoàng Trọng Vinh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng nêu thực trạng thị trường lao động tỉnh nhà.

Thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm 6 tháng năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Cơ hội việc làm và vị trí việc làm đa dạng, nhất là việc làm trong nhóm ngành dịch vụ phong phú và sôi động. Thu nhập bình quân tháng của NLĐ tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm 6 tháng năm 2023 là 793,7 ngàn người, tăng 6,5 ngàn người so với quý II/2022 và giảm 7,1 ngàn người so với quý I/2023. Số lao động này ở khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 508 ngàn người, tương đương 64,06%; lĩnh vực dịch vụ chiếm 26,77% tương đương 212,4 ngàn người và lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm thấp nhất 9,17% tương ứng 72,8 ngàn người.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm có 15.000 lượt lao động được giải quyết việc, tăng 400 lượt so với cùng kỳ năm 2022; trong đó tạo việc làm mới cho 6.500 lao động. Trong khi đó, số người thiếu việc làm trong 6 tháng là khoảng 12,1 ngàn người, giảm 3,84 ngàn người so với cùng kỳ năm 2022.

Ít nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao

Ông Hoàng Trọng Vinh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Lâm Đồng đánh giá, thị trường lao động 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhìn chung ở mức ổn định so với nhiều địa phương khác trên cả nước, không có hiện tượng sa thải lao động hàng loạt, tình trạng thiếu hụt lao động tiếp tục diễn ra ở một số ngành nghề như du lịch, dịch vụ, chế biến nông sản.

Đại biểu trao đổi tại Hội thảo.

Đại biểu trao đổi tại Hội thảo.

Thực trạng đáng chú ý được ông Vinh nêu ra đó là xu hướng tuyển dụng và xu hướng tìm việc. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động không yêu cầu có chuyên môn kỹ thuật cao nhất. Riêng lao động có trình độ trung cấp trở lên, nhà tuyển dụng có xu hướng tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nhiều hơn nhiều so với lao động có trình độ đại học (15,7% so với 6%).

Trong khi đó nhu cầu tìm việc của lao động trình độ đại học cao hơn lao động cao đẳng, trung cấp (27,7% so với 22,7%). Do vậy, lao động trình độ đại học có nguy cơ thất nghiệp cao, bởi theo nhà tuyển dụng là lao động cao đẳng, trung cấp tuyển dụng vào làm được việc ngay, trong khi mức lương phải trả lại thấp hơn lao động trình độ đại học.

Cũng theo phân tích của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng, nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao thuộc các lĩnh vực: Xây dựng; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe có động cơ khác; nông lâm nghiệp và thuỷ sản…Còn phân chia theo nghề thì công việc giản đơn trong nông nghiệp, lâm nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, kế đến là nhân viên bán hàng, nhân viên dịch vụ khách hàng….

Từ những phân tích trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng đưa ra một số khuyến nghị như: Tạo cơ chế đặt hàng đào tạo cung ứng nhân lực đồng bộ đáp ứng thị trường linh hoạt; xem xét phát triển đào tạo các trình độ theo ngành, nghề đang thiếu hụt hoặc có xu hướng tăng nhu cầu lao động trong ngắn và trung hạn; đơn vị tuyển dụng tích cực khai báo biến động lao động, phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo; bản thân người lao động cần không ngừng cải thiện kỹ năng nghề nghiệp…

Đại diện Công ty May Đà Lạt cho biết nhu cầu lao động tại đơn vị nhiều song chất lượng lao động tuyển vào chưa cao.

Đại diện Công ty May Đà Lạt cho biết nhu cầu lao động tại đơn vị nhiều song chất lượng lao động tuyển vào chưa cao.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, sở, ban, ngành cũng đã trao đổi, đưa ra các giải pháp để nâng cao tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm, nhất là lao động có trình độ cao. Đồng thời chỉ ra những hạn chế của lao động trên địa bàn để khắc phục, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Đọc thêm