Lại thêm một vụ án rúng động vừa xảy ra tại Angola mà nạn nhân là lao động người Việt Nam. Ngày 30/11, trong lúc đang ngủ ở nhà trọ thuộc tỉnh Huambo, Angola, 2 lao động quê Hà Tĩnh cùng 1 người quốc tịch Angola bị nhóm cướp đập cửa khống chế.
Không có tiền, các nạn nhân bị nhóm cướp trói tay, tẩm xăng đốt. Chị Hoàng Thị Văn (SN 1987, trú thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị bỏng nặng, tử vong, hai người còn lại nguy kịch.
Trước chị Văn, đã có nhiều người phải bỏ mạng nơi xứ người, nhiều gia đình rơi vào cảnh vợ mất chồng, cha mẹ mất con, trẻ nhỏ mất cha khi người thân sang Angola làm việc.
Tháng 3/2016, anh Đặng Quốc Nghĩa (44 tuổi, trú xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và anh Nguyễn Viết Hậu (33 tuổi, trú xã Sơn Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) trong lúc lao động tại khu vực tỉnh Uige, Angola đã bị một nhóm cướp ngoại quốc có vũ trang tới “xin” tiền. “Xin” không được, nhóm cướp đã ra tay sát hại cả 2 anh.
Chuyện mất mạng xảy ra với nhiều lao động người Nghệ An khi sang Angola mưu sinh do hai nguyên nhân chủ yếu là bị cướp; hoặc sốt rét, bệnh tật do khí hậu khắc nghiệt. Năm 2014, anh Nguyễn Đức Cao (trú xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An) tử nạn tại Angola do sốt rét ác tính. Hoặc anh Phan Văn Sơn (SN 1973, trú xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) tử vong do bệnh tật. Số tiền 700 triệu đồng để khâm liệm và đưa thi thể anh về nước đã vượt quá sức gia đình nông dân nghèo…
Đó chỉ là vài trường hợp tiêu biểu trong số những trường hợp lao động người Việt tử nạn tại Angola. Có những trường hợp tử vong nhưng gia đình lặng lẽ đưa về nước.
Theo ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Nghệ An, hiện vẫn có nhiều tổ chức, cá nhân lén lút dẫn dắt lao động sang Angola làm việc mà các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được. Lao động khi đưa sang Angola đời sống không được đảm bảo, các quyền lợi không được hưởng, phải làm công việc nặng nhọc như làm thợ hồ, thậm chí phụ nữ bị ép bán dâm…
Mặc dù có nhiều thị trường lao động gần gũi hơn và an toàn hơn như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… có mức lương tương đương và được Nhà nước bảo lãnh nhưng một số người dân vẫn chọn Angola. Ông Dương giải thích do cách đây vài năm, một số người Việt sang Angola lao động trở về “khoe” thu nhập cao, một số công ty môi giới từ đó luôn vẽ bức tranh việc nhẹ, lương cao… ở quốc gia châu Phi này. Cả tin vào những lời dụ dỗ đó, nhiều người bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng vẫn đánh cược tính mạng để xuất ngoại “chui” với hi vọng đổi đời.
Đến thời điểm hiện tại không thể nắm được số lượng là bao nhiêu lao động làm việc tại Angola. Tất cả các trường hợp đi XKLĐ tại Angola đều theo kiểu người đi trước dẫn người đi sau, không có bất kỳ hợp đồng lao động nào.
“Người dân tự ý đi theo con đường bất hợp pháp, không có hợp đồng lao động mà chỉ đi theo đường người quen rủ nhau đi. Người dân cũng không khai báo sẽ đi XKLĐ tại Angola với địa phương nên không thể nắm được cụ thể có bao nhiêu người. Báo chí đã phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban ngành tuyên truyền vận động đến nhân dân nhưng trước nỗi lo cơm áo gạo tiền, trước những lời mời, giới thiệu đi XKLĐ tiền lương cao, người dân đã bất chấp cảnh báo để XKLĐ “chui”…", ông Dương cho biết. "Hiện Bộ LĐTB&XH chưa cấp phép cho bất cứ một tổ chức, công ty nào đưa lao động của Việt Nam sang các nước như Angola... Các đường dây đưa lao động Việt sang các thị trường trên chủ yếu theo con đường làm hộ chiếu đi du lịch rồi ở lại tìm việc làm”.
Cũng theo ông Dương, ngoài thị trường Angola, tại Nghệ An, Hà Tĩnh còn có nhiều người đi XKLĐ “chui” tại một số thị trường khác như Anh, Nga với số tiền cọc rất cao. Do đi “chui” nên khi xảy ra sự việc đáng tiếc, người dân đành chấp nhận gánh chịu tất cả những thiệt thòi.