Lão nông gây dựng vườn bonsai bạc tỷ

(PLVN) - Được mệnh danh là “thủ phủ hoa miền Tây”, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) không chỉ là nơi hội tụ hàng ngàn chủng loại hoa kiểng, cây cảnh, mà còn là nơi có không ít “bàn tay vàng” nhà vườn. Trong đó, ông Nguyễn Phước Lộc (49 tuổi, ngụ ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông) là một người trồng bonsai có tiếng.
Ông Lộc tưới nước cho vườn cây bonsai

Bonsai là những loại cây nhỏ có dáng cổ thụ ngoài thiên nhiên được thu nhỏ vào trong chậu, thường dùng làm cây cảnh trưng bày. Trồng bonsai không chỉ để thưởng thức như những loại cây trồng chậu khác, mà được nâng tầm nghệ thuật chơi cây cảnh, không chỉ đa dạng mẫu mã mà còn chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc.

Là người con của xứ hoa lớn nhất miền Tây, cũng là người con sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề làm vườn, từ nhỏ ông Lộc đã có niềm đam mê đối với hoa kiểng và cây cảnh, đặc biệt bonsai. Hơn 30 năm đầu tư cho nghề, đến nay ông Lộc đã là chủ của hai vườn bonsai với diện tích hơn 3,7 ha, khoảng 4.000 cây từ lớn đến nhỏ thuộc nhiều chủng loại. Trong đó “lão” nhất và “khủng” nhất phải kể đến cặp me hơn 160 năm tuổi. Hơn 20 năm dày công chăm sóc, mỗi cây me đã cao trên 5m.

Theo ông Lộc, trồng bonsai không quá khó cũng không hề dễ dàng. “Quá trình chăm sóc, cắt tỉa nhiều công đoạn, cây nhỏ mới đem về mình đưa vào chậu, chăm sóc cho ra tược (nhánh), rồi lựa tược đẹp để chỉnh sửa, sửa khoảng 3 - 4 đợt thì thành phẩm. Trong thời gian chăm sóc phải tưới nước hàng ngày, bón phân hàng tuần, xịt sâu định kỳ”.

Để có được những cây bonsai chất lượng, ưng ý nhất, người trồng phải đảm bảo được 3 vấn đề quan trọng. Thứ nhất là sự tự nhiên, nghĩa là làm sao cây phải sinh trưởng, phát triển như một cây bình thường trồng ngoài thiên nhiên. Thứ hai là phải “cổ lão”, nhiều năm tuổi, đây là vấn đề quan trọng nhất quyết định giá trị của cây. Cuối cùng là sự thu gọn, làm sao để khi đưa cây vào trong chậu đảm bảo tính thẩm mỹ đẹp - độc - lạ. Vì vậy mới nói bonsai là sự hòa hợp giữa nghệ thuật và nghề làm vườn.

Ngoài ra, cây bonsai không chỉ để trưng bày như những cây trồng trong chậu thông thường, mà còn được mang đi dự thi như một tác phẩm nghệ thuật. Để trở thành một tác phẩm nghệ thuật thật sự, bonsai phải trải qua quá trình gia công chăm sóc tỉ mỉ. Những cây được lựa chọn phải là những cây có bộ gốc, cành, dáng thật đẹp, đòi hỏi sự kỳ công chăm sóc, cắt tỉa. Đồng thời, cách trình diễn cây bonsai cũng thể hiện sự thâm thúy, cao tay của người làm vườn. “Khi để cây bonsai lên bàn tay, phải trình diễn như thế nào để người xem nhìn cây tưởng nó to như một cây cổ thụ ngoài đời thực, thật ra nó nhỏ bé và nằm gọn trên bàn tay mình”, ông Lộc nói.

Không chỉ bỏ ra nhiều tiền săn lùng những cây bonsai đẹp từ nhiều nơi, những năm gần đây vườn của ông Lộc còn có thêm các loại hoa hồng, trồng xem lẫn dưới chân những chậu bonsai, làm cho khu vườn trở nên sinh động hơn. Những vòm hồng vừa che mát lối đi, vừa tạo cảnh quan đẹp. “Nếu làm bonsai không thì chỉ thấy có một màu xanh thôi, nhìn không đa dạng, nên khi có thêm hoa hồng sẽ thấy vườn đẹp hơn, có điểm nhấn hơn”, ông nói.

Trên 40 ngàn chậu hồng với khoảng 130 chủng loại như hồng cổ Sapa, hồng Vân Khôi, hồng leo, hồng nhung... Đa phần là các loại hồng ngoại được ông xách tay từ Thái Lan, Singapore, Mỹ... về. Mỗi loại ông chỉ mua khoảng 1 - 2 cây vì giá khá cao, có loại lên đến 15 triệu/cây. Sau khi mang hoa về, ông Lộc sẽ thuần dưỡng để cho ra những thế hệ cây F1, F2 mạnh khỏe, phù hợp điều kiện khí hậu Việt Nam. 

Đọc thêm