Theo đó, Ban Chỉ đạo Hợp nhất, sáp nhập hai tỉnh đã thông qua dự thảo Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo và Quyết định về thành lập 2 Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Đồng thời giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị tiếp thu ý kiến để tham mưu, hoàn thiện các văn bản trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký, ban hành.
![]() |
Lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc hợp nhất, sáp nhập thành tỉnh Quảng Trị mới. |
Trong quá trình thực hiện, phải thường xuyên trao đổi, thống nhất giữa hai tỉnh về nguyên tắc, phương án bố trí cán bộ cấp xã sau sắp xếp, thành lập mới. Đặc biệt là bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương... để bảo đảm kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.
Về công tác sắp xếp cán bộ, lãnh đạo cấp huyện sẽ là nòng cốt tại các phường, xã mới; phấn đấu Bí thư xã, phường không là người địa phương; bố trí cán bộ chủ chốt cấp xã, phường đúng quy định; ưu tiên cán bộ khoa học, công nghệ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số..., hoàn thành trước ngày 1/7/2025.
Có phương án sàng lọc, tinh giản, phân công, điều động cán bộ hợp lý theo nguyên tắc “có vào, có ra; có lên, có xuống”, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với hiệu quả công việc. Nghiên cứu bố trí một số cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh còn trẻ, có năng lực... để tăng cường cho cấp xã, phường.
Cùng với đó là cần thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và giải quyết chế độ, chính sách cán bộ dôi dư, không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Đi cùng với công tác cán bộ là khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mới để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban kiểm tra (UBKT), Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; giới thiệu nhân sự chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh sau sắp xếp.
Xây dựng phương án nhân sự thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bảo đảm khách quan, minh bạch, đúng quy định của Đảng, Nhà nước; tránh khuynh hướng “lợi ích nhóm”, trong phân công, bố trí, giới thiệu cán bộ.
Giao UBND tỉnh Quảng Bình lãnh đạo, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổng rà soát, đánh giá hiện trạng trụ sở, tài sản công trên địa bàn hai tỉnh, đề xuất phương án bố trí, phương án xử lý trụ sở dôi dư. Nghiên cứu hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở giữa các cơ quan, tổ chức và cơ quan Trung ương trên địa bàn để bố trí sử dụng chung 1 cơ sở nhà, đất... Rà soát, chuẩn bị nhà ở công vụ cho cán bộ ở Quảng Trị ra công tác tại Đồng Hới.
Đối với các trụ sở dôi dư, thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, các mục đích cộng đồng...
Căn cứ tình hình thực tiễn, có thể nghiên cứu bố trí một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trụ sở hành chính của tỉnh Quảng Trị hiện nay nhằm bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Riêng Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị được giao chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng phương án. Các cơ quan, đơn vị báo cáo Ban Chỉ đạo cho ý kiến (Khối Đảng qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình, khối Chính quyền qua Sở Nội vụ Quảng Bình) tổng hợp, báo cáo trước ngày 1/8/2025.
Để kịp xây dựng Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (mới) nhiệm kỳ 2025-2030 trước 30/6/2025, giao Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tập trung vào hai phần trọng tâm, đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2025-2030, theo từng nhóm lĩnh vực... Báo cáo chính trị cần ngắn gọn, súc tích, cô đọng, xác định rõ mục tiêu, giải pháp cần triển khai thực hiện sau khi hợp nhất, sáp nhập, dung lượng phù hợp.