Lập luận thiếu thuyết phục của Bộ Giao thông về đề xuất xóa trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài

Chiều nay, 6/5/2013, Bộ GTVT đã tổ chức họp báo để “giải trình” việc đề xuất xóa bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài. Tuy nhiên, tư duy  thiếu nhất quán trong việc thực hiện pháp luật, lập luận thiếu thuyết phục và cách áp dụng chính sách "tiền hậu bất nhất" của Bộ GTVT đã vấp phải những phản ứng gay gắt từ phía nhà đầu tư và công luận. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thừa nhận cho đến nay, Bộ GTVT chưa được Thủ tướng Chính phủ xem xét đề xuất nói trên.

[links()]Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam và một số cơ quan báo chí có các bài bài viết phản ánh  việc Bộ GTVT đề xuất phương án xử lý trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài là trái pháp luật và đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xắp xếp lại các trạm thu phí để thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ, ngày 6/5/2013, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp báo để “giải trình” về các lý do mà Bộ này đề xuất với Thủ tướng Chính phủ việc xóa bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài

 “Tiền hậu bất nhất”

Trong Thông cáo báo chí gửi các cơ quan báo chí, Bộ GTVT giải thích lý do xóa trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài là để “tránh ùn tắc giao thông”. Cụ thể hơn, Bộ GTVT cho rằng, tuyến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài hiện tại đã giao cho UBND TP Hà Nội quản lý nên theo Luật Thủ đô, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT xóa bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài để phù hợp với công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và tránh ùn tắc giao thông vì trạm thu phí nằm trên tuyến đường nối sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Bộ GTVT cũng cho rằng, việc duy trì trạm gây bức xúc cho người tham gia giao thông vì không đi đường tránh Vĩnh Yên nhưng vẫn phải trả phí.

Ý kiến này của Bộ GTVT ngay lập tức bị phản ứng gay gắt từ không chỉ người trong cuộc (nhà đầu tư) mà cả những người ngoài cuộc cũng không thể đồng tình. Trước đây, lý do được đưa ra để biện hộ cho đề xuất xóa bỏ trạm thu phí là vì việc tiến hành thu phí bảo trì đường bộ được thực hiện từ ngày 1/1/2013, nếu giữ trạm thì sẽ dẫn đến “phí chồng phí”. Nhưng, khi xác định rõ bản chất trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài là trạm BOT, không phải là trạm thu phí nộp ngân sách, trả nợ vốn vay thì Bộ GTVT lại viện cớ “ùn tắc giao thông” và bám vào đề nghị của UBND TP Hà Nội để dẹp trạm. Sự tiền hậu bất nhất này cho thấy căn cứ để xóa trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài rất thiếu thuyết phục.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp báo
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp báo

Bên cạnh đó, các lý do mà Bộ GTVT đưa ra cũng thể hiện tư duy không nhất quán trong việc thực hiện pháp luật. Trước đây, để kêu gọi vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã không hề quan tâm đến “người tham gia giao thông” tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài có “bức xúc” hay không khi Bộ sử dụng trạm thu phí ở Hà Nội để thu tiền hoàn vốn cho dự án tại Vĩnh Phúc. Nay, khi muốn phá trạm này, Bộ GTVT lại mang người tham gia giao thông làm chiếc phao cứu cánh cho lập luận thiếu thuyết phục của Bộ.

Việc chuyển trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài từ trạm thu phí nộp ngân sách  thành trạm thu phí BOT của dự án BOT QL2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên là một chủ trương nhất quán đã được các Bộ GTVT, Bộ Tài chính thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện. Đến nay, thân phận trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài đã gắn liền với dự án BOT Quốc lộ 2. Trong cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đã nêu khá rõ lý do tại sao lại sử dụng trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Theo đó, do số lượng trạm thu phí trên tuyến QL 2 quá dày, không thể đặt thêm trạm nên Chính phủ đồng ý dùng trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội bài để thu phí hoàn vốn dự án QL 2, đoạn tránh TP VĨnh Yên. Căn cứ chủ trương trên, ngày 14/8/2007, Cục Đường bộ Việt Nam và Công ty CP BOT Vietracimex 8 đã ký kết hợp đồng số 37/CĐBVN-HĐ.BOT, với quy định cụ thể là tiền hoàn vốn của dự án sẽ được lấy từ phí sử dụng đường bộ thu từ trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài.

Về việc chuyển giao trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài cho Công ty CP BOT Vietracimex 8 quản lý và thu phí hoàn vốn, ngày 12/12/2008, Bộ GTVT có Công văn số 9088/BGTVT –KHĐT gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính đồng ý. Ngày 19/6/2009, Bộ GTVT có Công văn số 4091/BGTVT-TC gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Chủ trương chuyển giao trạm cho nhà đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn đồng ý. Vì vậy, ngày 25/8/2009, Bộ GTVT đã có quyết định số 2465/QĐ-BGTVT chuyển giao nguyên trạng trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài cho Công ty CP BOT Vietracimex 8. Quyết định 2465/QĐ-BGTVT quy định: “Sau khi dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành đưa vào sử dụng, số tiền thu phí sử dụng đường bộ thu được sử dụng để hoàn vốn cho dự án theo quy định hiện hành”.  

Hệ lụy của việc dùng quyết định hành chính “bẻ ghi” hợp đồng

Đánh giá về các lý do mà Bộ GTVT viện dẫn làm căn cứ để xóa trạm, Luật sư Trần Việt Hùng, Trưởng VPLS Trí Việt cho rằng: việc mời gọi nhà đầu tư đổ vốn vào dự án BOT hạ tầng giao thông bằng việc lấy trạm thu phí ở Hà Nội để thu hồi vốn cho dự án tại Vĩnh Phúc giống như “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, nay dự án mới đi được 1/8 quãng đường thì Bộ GTVT lại tìm một lý do khác để dẹp trạm như vậy chẳng khác “đặt bẫy” đối với nhà đầu tư. Do đó, đề xuất dẹp trạm thu phí của Bộ GTVT không chỉ sự vô trách nhiệm với nhà đầu tư mà còn khiến nhà đầu tư cảm thấy bị…lừa.

Về lý do “tắc đường” mà Bộ GTVT nêu trong thông cáo báo chí, đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông cũng chỉ ra nhiều bất hợp lý. Theo ông, trên tuyết Bắc Thăng Long – Nội Bài hiếm khi bị tắc đường tại trạm thu phí. Hơn nữa, khi tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài được thông xe thì khách quốc tế cũng sẽ không còn đến Hà Nội bằng đường Bắc Thăng Long – Nội Bài và chuyện “tắc đường” trên tuyến này cũng chỉ còn là chuyện của dĩ vãng. Lý do “tắc đường” hoàn toàn không có căn cứ.

Luật sư Nguyễn Đăng Việt, Công ty luật TNHH Bizconsult phân tích, Điều 4 Luật Đầu tư đã quy định: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư; thừa nhận sự tồn tại và phát triển lâu dài của các hoạt động đầu tư . Đây là điều luật quan trọng để khẳng định rằng Nhà nước Việt Nam không chỉ khuyến khích các hoạt động đầu tư, mà còn đảm bảo sự ổn định và an toàn cho hoạt động của nhà đầu tư. Nhưng với vụ việc này thì thấy, doanh nghiệp cần thận trọng hơn trước những cam kết bảo hộ đầu tư.

Đến nay, đề xuất của Bộ GTVT chưa được Thủ tướng Chính phủ xem xét. Ngày 2/5/2013, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 3383/VPCP-KTN yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có ý kiến đối với đề xuất của Bộ GTVT và gửi về Văn phòng Chính phủ trước 15/5/2013. Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Fanci cho rằng, đây là một cơ hội quan trọng để các Bộ xem xét lại việc thi hành chính sách. Không thể đối xử với các nhà đầu tư BOT theo kiểu “trước thì trải thảm, sau thì hố chông”. Như vậy, nhà nước đã “phụ bạc” nhà đầu tư và tạo ra một hình ảnh xấu cho thấy môi trường đầu tư BOT nước ta còn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Bình Minh – Việt Hưng

Đọc thêm