Lập ngân hàng ý tưởng triển khai hiệu quả Ngày Pháp luật

(PLO) - Hôm qua – ngày 7/11, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo các giải pháp nâng cao hiệu quả hưởng ứng, triển khai Ngày Pháp luật hàng năm (ngày 9/11). Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là đề xuất lập một ngân hàng các ý tưởng giúp các bộ, ngành, địa phương có thể lựa chọn triển khai Ngày Pháp luật phù hợp với đơn vị mình. 
Lập ngân hàng ý tưởng triển khai hiệu quả Ngày Pháp luật

Sau 3 năm triển khai, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các bộ, ngành, địa phương hưởng ứng tích cực với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả như tổ chức đối thoại chính sách pháp luật giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp; tổ chức Ngày hội Pháp luật; Ngày hội An toàn giao thông; mô hình “Tiết học pháp luật” tại Long An; “Quán cà phê pháp luật” tại Cần Thơ…

Ngày Pháp luật đã hướng tới mục tiêu thực chất hơn, nhằm tạo chuyển biến trong ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn… Ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trên một số lĩnh vực có chuyển biến rõ rệt, nhất là trong chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ; tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân, cải cách hành chính, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Tại hội thảo, các đại biểu còn thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam. Một số nơi triển khai vẫn mang tính hình thức, phong trào, chưa đi vào thực chất, chưa đóng góp nhiều trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về Ngày Pháp luật hoặc chưa đúng hướng với mục đích, tinh thần, ý nghĩa của Ngày Pháp luật. Đáng chú ý, đời sống pháp luật vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Một số lĩnh vực như ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông đường bộ, bạo lực học đường, bạo lực gia đình… thì ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật chưa có nhiều chuyển biến.

Nhằm nâng cao hiệu quả hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, các đại biểu kiến nghị lựa chọn chủ đề Ngày Pháp luật hàng năm cần sát với thực tiễn, bám sát yêu cầu của cuộc sống thực tế; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật để việc học tập, tìm hiểu pháp luật thực sự trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người và của toàn xã hội. Trong đó nổi bật là đề nghị lập ngân hàng các ý tưởng triển khai Ngày Pháp luật giúp các bộ, ngành, địa phương lựa chọn, áp dụng phù hợp với thực tế của đơn vị mình.

Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Đỗ Xuân Lân đề xuất đa dạng hóa các mô hình tổ chức Ngày Pháp luật gắn với giáo dục chính trị tư tưởng. Ngoài ra, cần xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, các cách làm sáng tạo hưởng ứng Ngày Pháp luật. Các đại biểu còn cho rằng, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cần chú trọng triển khai rộng khắp tới tận cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi ít có hiểu biết về pháp luật, đồng thời phải có các hoạt động điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật và đẩy mạnh tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chia sẻ, để Ngày Pháp luật trở thành một nội dung được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã mất khá nhiều thời gian, công sức nhưng để giữ Ngày Pháp luật ngày càng được xã hội thừa nhận, tôn vinh, không bị “nhạt” mới quan trọng và là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Thứ trưởng mong muốn tới đây, các bộ, ngành, địa phương khi tuyên truyền pháp luật sẽ chú trọng những nội dung mà người dân thực sự cần, chứ không phải là tuyên truyền những gì mà cơ quan nhà nước có sẵn.

“Có thể là nêu cao khẩu hiệu pháp luật phục vụ cho khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp trang bị được các kiến thức pháp luật cần thiết, tự tin với hoạt động khởi nghiệp của mình” - Thứ trưởng Phan Chí Hiếu gợi ý.

Đọc thêm