Đã có 23 ĐH tự chủ
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam, bước đầu đã tạo ra những chuyển biến đối với giáo dục ĐH. Nghị quyết số 29 được ban hành vào năm 2013, đến nay, Chính phủ đã phê duyệt thí điểm 23 trường thực hiện tự chủ.
Sau 5 năm, qua kết quả thí điểm của 23 cơ sở ĐH, Chính phủ và Bộ GD&ĐT đánh giá đã đạt kết quả tích cực, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH. Những nội dung sửa đổi đó đã được đưa vào dự thảo Luật. Quốc hội đã có ý kiến và dự kiến cuối năm 2018 sẽ thông qua để thể chế hóa chính thức những chủ trương, chính sách đã thực hiện trong những năm qua. Thứ trưởng cho biết: Với nỗ lực của các trường, đến nay theo số liệu mới nhất có 7 trường nằm trong top 500 trường Châu Á và 2 đại học lọt top 1.000 của thế giới. So với các trường lớn trên thế giới, so với quy mô ngân sách, đầu tư của chúng ta còn khiêm tốn nhưng bước đầu những đối mới đã đúng hướng, khả quan. Hy vọng với cơ chế đẩy mạnh tự chủ, sắp tới chúng ta sẽ có những trường phát triển hơn nữa.
Ngoài hội nhập và kiểm định, theo Thứ trưởng, các cơ sở giáo dục bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu khoa học quốc tế. Có một thời gian dài, nguồn thu của các trường dựa nhiều vào học phí; việc nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế chưa được quan tâm, mà chúng ta biết, các trường muốn được xếp hạng quốc tế phải có yếu tố nghiên cứu khoa học. Trong những năm gần đây, các trường đã được quan tâm đầu tư và tạo cơ chế thích hợp để thúc đẩy những nghiên cứu khoa học. Trong 2 năm gần đây, số liệu công bố quốc tế nhiều hơn 5 năm trước đây cộng lại. Điều đó dẫn đến thứ hạng của các trường ĐH của chúng ta tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nghị quyết 29 cũng nhấn mạnh đến phát huy về phẩm chất, năng lực của người học. Trong các quy chế các trường bắt đầu tham khảo các chương trình đào tạo của nước ngoài, ý kiến của doanh nghiệp, nhu cầu xã hội để đổi mới chương trình, nội dung phương pháp giảng dạy phù hợp.
Thách thức đổi mới tư duy
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo TƯ nhận định, chặng đường phát triển 5 năm của ngành Giáo dục không dài nhưng thực hiện đúng kỳ vọng của TƯ, nhân dân có thể đánh giá được thông qua 5 chỉ số sau: Thứ nhất, nhìn một cách khái quát, thể hiện rõ nét nhất là trước khi thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta chưa có trường nào nằm trong top 1.000 các trường ĐH trên thế giới. Sau 5 năm, chúng ta có 2 trường top thế giới, châu Á từ 1-2 trường, đến nay lên 7 trường, rất nhiều trường trong top 400-300 châu Á. Một số ngành, lĩnh vực đào tạo đã so sánh được với các trường ĐH lớn trên thế giới và khu vực.
Thứ hai, 84% sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng. Chỉ số thứ ba là số công trình nghiên cứu được công bố trong nước và quốc tế tăng gấp đôi. Chỉ số thứ tư, sự chuyển biến về nhận thức, hành động trong các trường ĐH. Điều đáng phấn khởi là trước đây, chúng ta đánh giá một số trường ĐH dân lập hình như có mặc cảm là có chất lượng thì vừa rồi, một số trường theo kiểm định quốc tế được đánh giá là rất cao. Và cuối cùng là công tác quản lý đối với chất lượng đào tạo ĐH và sau ĐH được quản lý chặt chẽ hơn thông qua việc tiếp cận dần với chất lượng, tiêu chuẩn của quốc tế.
Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng nhiều năm nay, vấn đề giáo dục lúc nào cũng được xã hội quan tâm. Đây là thuận lợi cũng là khó khăn. Và có thể nói rằng, giáo dục những năm qua, nhất là 5 năm vừa rồi đối mặt rất nhiều thách thức, mà thách thức lớn nhất là đổi mới tư duy, thứ hai là niềm tin của xã hội với giáo dục.
Theo ông Hưng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng quốc tế, tác động của cuộc cách mạng 4.0 lớn, đổi mới tư duy là quan trọng. Trong khi một bộ phận không nhỏ giáo viên, nhân dân cũng thấy rằng, khó khăn trong đổi mới là vẫn có tư tưởng bao cấp trì trệ ở một bộ phận trường, giáo viên nào đó. Do đó, nếu không chuyển biến tư duy thì chúng ta khó có thể thực hiện công cuộc đổi mới thành công. Thách thức thứ hai là cần khắc phục là niềm tin của xã hội với giáo dục. Nhìn tổng thể, giáo dục đã làm được rất nhiều việc, nhưng cũng có những khuyết điểm trong quá trình thực hiện và hình như xã hội chưa tin vào giáo dục nói chung, giáo dục ĐH nói riêng.
Vì vậy, thời gian tới, công tác tuyên truyền phải kịp thời, chính xác những kết quả, thành công và hạn chế, khó khăn để xã hội cùng chia sẻ, giúp đỡ ngành Giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng, lấy lại niềm tin trong nhân dân và xã hội. Bản thân các trường ĐH cũng phải vươn lên, phải khẳng định với xã hội rằng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học, sau đại học ở Việt Nam không thua kém chất lượng đào tạo ở khu vực và trên thế giới; nhân lực Việt Nam có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, cạnh tranh bình đẳng trên sân chơi trong nước cũng như trên khu vực.