Với nhiều cố gắng tạo sự chuyển biến tích cực trong hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình dự báo sẽ thoát khỏi vị trí người có số phiếu tín nhiệm thấp nhất |
Đây là lần thứ 2 Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm và vẫn theo 3 mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Qua đánh giá của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp này, một số lĩnh vực quản lý nhà nước mà Bộ trưởng, trưởng ngành có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải.
Nhưng ĐBQH cũng nhấn mạnh: “Có những việc không phải ngày một, ngày hai có thể giải quyết được vì còn do cơ chế, chính sách, xem người đứng đầu các ngành có được xử lý cấp dưới không, chứ bản thân các “tư lệnh ngành” đều không muốn xảy ra những sự việc không đáng có trong lĩnh vực mình quản lý như việc tiêm vacxin gây chết người, hay vẫn tràn lan tình trạng dạy thêm, học thêm dù đã bị cấm...
Để đánh giá và quyết định việc lựa chọn các mức tín nhiệm đối với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này, ĐBQH khẳng định, ngoài báo cáo của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm thì ĐBQH còn sử dụng rất nhiều kênh. Theo ĐBQH, đó là ý kiến, đánh giá của cử tri, ý kiến của các bộ, ngành có mối quan hệ trong hoạt động với bộ, ngành lấy tín nhiệm và sự quan sát của bản thân ĐB đối với hoạt động chỉ đạo, điều hành của các Bộ trưởng, của các ngành, lĩnh vực.
Vẫn sẽ có phiếu “tín nhiệm thấp”
Theo nhiều ĐBQH, những nội dung báo cáo không thực tế, nhận khuyết điểm chung chung, không nhận trách nhiệm cá nhân thì sẽ “bị cho điểm thấp”. Tuy nhiên, ĐB cũng “thông cảm” với các Bộ trưởng vì có những điểm “chưa nói thẳng được hoàn toàn nhưng không thể thành tích thì nhận về mình, khuyết điểm lại của tập thể”. Vì thế, dự kiến sẽ vẫn có nhiều phiếu tín nhiệm thấp cho những Bộ trưởng, trưởng ngành có ít chuyển biến, vẫn còn nhiều vấn đề khiến cử tri bức xúc mà chưa được giải quyết triệt để hoặc Bộ trưởng, trưởng ngành chưa chứng minh được “những việc đã làm để cải thiện tình hình”.
Tiêu chí được nhiều ĐBQH dựa vào để đánh giá các chức danh và quyết định mức tín nhiệm là ý thức trách nhiệm được thể hiện cụ thể, trực tiếp qua việc điều hành, lãnh đạo hoạt động của ngành, lĩnh vực liên quan đến kiến nghị của cử tri, bức xúc của cuộc sống mà dân kêu đến Quốc hội để ĐBQH phản ánh đến các bộ, ngành. Hiệu quả công việc của Bộ trưởng, trưởng ngành nào “gắn được trách nhiệm của Bộ trưởng với những yêu cầu của người dân” thì dù còn chỗ này, chỗ khác vẫn sẽ được ĐBQH “chấm điểm” cao hơn trong lần lấy phiếu tín nhiệm này.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định): “Tôi cho rằng lần này mức đánh giá sẽ có nhiều thay đổi với xu hướng nhận được tín nhiệm và tín nhiệm cao sẽ nhiều hơn lần trước vì đã thực sự có thay đổi, nhất là những người đã từng bị đánh giá “tín nhiệm thấp”. Nhưng tôi vẫn băn khoăn là có những chức danh ở những lĩnh vực ít va chạm nên việc đánh giá không có gì đột biến, hay các chức danh bên cơ quan lập pháp sẽ “an toàn hơn” các chức danh bên hành pháp. Theo tôi, 3 mức đánh giá tín nhiệm sẽ bị loãng nên cử tri rất muốn chỉ có 2 mức đánh giá khi lấy phiếu tín nhiệm”.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình): “Việc tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm là phù hợp vì thời gian qua đã thấy rõ hiệu quả. Tuy nhiên, tôi vẫn đề nghị khi sửa đổi qui trình lấy phiếu thì nên tiến hành lấy phiếu 2 lần/nhiệm kỳ (2 năm/lần) chứ lấy phiếu 1 năm/lần sẽ không đủ thời gian để cán bộ khắc phục hạn chế, tồn tại, khó đánh giá đúng, nhưng lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ thì lại không đạt mục đích lấy phiếu để tham khảo đánh giá năng lực cán bộ cho công tác bố trí, qui hoạch, ít tác dụng. Tất nhiên lấy phiếu 2 lần/nhiệm kỳ thì cũng gây áp lực cho cán bộ nhưng đã nhận trọng trách thì phải chịu áp lực, không thể có tâm lý “nhận chức xong là yên chí, không áp lực gì”. Nếu ai không đảm nhiệm được thì rút chứ hiện ta rất khó khăn trong việc bổ nhiệm rồi không rút ra được”.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình): “Việc lấy phiếu tín nhiệm có hiệu quả rất tích cực cho sự chuyển biến, nâng cao năng lực lãnh đạo, trách nhiệm của các chức danh được lấy phiếu. So với lần trước thì đã có nhiều chuyển biến, báo cáo đánh giá rõ ràng hơn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, không bị lẫn lộn với chức năng, nhiệm vụ của ngành, tạo điều kiện tốt cho các ĐBQH đánh giá. Về tổng thể thì đa số các Bộ trưởng đều có những kết quả tốt, tích cực, tuy nhiên vẫn có những chức danh còn có thể phải đánh giá “tín nhiệm thấp” vì tiêu chí quan trọng để đánh giá là việc hoàn thành nhiệm vụ, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực công tác vì qua đó thể hiện rõ năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo”.